Bài 1: Những dự án “treo” trên đất vàng
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:17, 16/08/2012
(HNM) - LTS: Cuối tháng 7-2012, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP ra quyết định thu hồi 8.131.511m2 đất của 10 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó chủ yếu là tình trạng đất được giao nhưng để hoang không triển khai dự án, tự ý cho thuê lại, sử dụng sai mục đích… Đây là đợt đề nghị thu hồi đất ở các dự án có vi phạm lớn nhất từ trước đến nay, được dư luận quan tâm và đông đảo người dân theo dõi, đồng tình, ủng hộ; đặc biệt là đối với một số dự án được giao đất đã nhiều năm hiện không còn phù hợp quy hoạch, nếu tiếp tục triển khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân.
Cỏ mọc um tùm trước dãy nhà kho của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1.
Đứng đầu danh sách đề nghị thu hồi đất đợt này là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường với hơn 8.030.315m2 đất trên địa bàn 6 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Thạch Thất. Đây là diện tích đất đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Thạch Thất.
Dự án giờ "áp chót"…
Một ngày cuối tháng 7-2012, chúng tôi tìm về cánh đồng Cầu thuộc thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất - một góc của dự án Khu đô thị Thạch Thất đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2008. Lúa cấy từ tháng 6 giờ đã bén chân, phủ màu xanh mượt mà khắp cánh đồng. Một người dân thôn Phú Nghĩa (đề nghị không nêu tên) cho biết, cánh đồng Cầu là xứ đồng mỗi năm cấy hai vụ lúa. Lúa rất tốt, ít sâu bệnh. Việc dẫn nước tưới tiêu đến giao thông đều rất thuận tiện, đất "bờ xôi ruộng mật" nếu lấy đất làm khu đô thị mới thì uổng quá, "mà khu vực này cách xa nội thành đến mấy chục cây số, cũng không gần khu công nghiệp, nhà máy lớn nào, dự án trường đại học, cao đẳng cũng chưa thấy triển khai thì xây khu đô thị mới cho ai đến ở?".
Ông Khuất Khắc Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thạch Thất cũng khẳng định, từ thời điểm có quyết định thu hồi đất đến nay, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Thạch Thất là Công ty CP Tập đoàn Nam Cường chưa liên hệ với chính quyền địa phương, chưa thực hiện thủ tục để triển khai dự án, bà con vẫn cấy lúa bình thường. Ông Sơn cho biết thêm, mặc dù Thạch Thất có đến 9 làng nghề tiểu thủ công nghiệp nhưng tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm 67% tổng số người đến tuổi lao động của toàn huyện. Nếu Khu đô thị mới Thạch Thất được triển khai thì có đến hơn 4 vạn hộ dân của 6 xã và thị trấn Liên Quan bị ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống. Vì vậy phần lớn người dân các khu vực này đều không mong đợi dự án.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy Quyết định số 2979/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây thu hồi hơn 8.030.315m2 đất tại các xã Phú Kim, Hương Ngải, Thạch Xá, Chàng Sơn, Kim Quan, Canh Nậu và thị trấn Liên Quan giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Thạch Thất lại được ký vào ngày 28-7-2008, nghĩa là chỉ 2 ngày trước khi Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô có hiệu lực! Trước đó, ngày 25-6-2008, UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Thạch Thất, giao chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Nam Cường, đồng thời có quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Ngày 26-6-2012, sau quá trình thanh, kiểm tra việc sử dụng đất tại khu vực này, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường kết luận: "Việc Công ty CP Tập đoàn Nam Cường chưa phối hợp với UBND huyện Thạch Thất thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để chuẩn bị triển khai dự án sau 46 tháng liên tục kể từ khi có quyết định giao đất là vi phạm các quy định quản lý đất đai của UBND tỉnh Hà Tây trước đây, không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thạch Thất của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường đến nay không còn phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội".
Từ kết quả trên, Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi diện tích đất đã giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường, giao cho UBND huyện Thạch Thất quản lý theo quy định. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện Công ty CP Tập đoàn Nam Cường - ông Trần Oanh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sau khi được UBND tỉnh Hà Tây giao làm chủ đầu tư Khu đô thị mới Thạch Thất, từ tháng 7-2008, công ty đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, lập phương án đền bù, lập bản đồ tổng thể và bản đồ tỷ lệ 1/1000 phục vụ công tác thu hồi đất… Thế nhưng, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ các dự án liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng. Trong quá trình đó, công ty vẫn chưa được nhận bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Do đó toàn bộ diện tích đất dự án vẫn thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương và nhân dân vẫn canh tác bình thường. Do nhiều bất hợp lý xảy ra trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô nên Công ty CP Tập đoàn Nam Cường đã chủ động đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước được bàn giao lại Khu đô thị Thạch Thất vì nó không còn phù hợp với quy hoạch chung.
Như vậy có thể thấy, sau khi được UBND tỉnh Hà Tây giao đất, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Nam Cường chưa triển khai ngay việc thực hiện dự án Khu đô thị Thạch Thất một phần xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Nhưng cho dù với bất kỳ nguyên nhân nào, việc cấp có thẩm quyền tiến hành thu hồi
hơn 8.030.315m2 đất xây dựng khu đô thị không phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt là việc làm được dư luận đồng tình ủng hộ… Chủ trương này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp mà còn có ý nghĩa xã hội rộng lớn trong việc ổn định đời sống của hàng chục vạn hộ nông dân trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Hàng nghìn "tấc vàng" chỉ trồng… cỏ dại
Cũng đứng tốp đầu trong danh sách 10 tổ chức sử dụng đất có vi phạm bị Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị thu hồi trong tháng 7 vừa qua, có 22.340m2 đất của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 tại số 62, phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Không thể tin nổi ngay giữa trung tâm một quận nội thành đông đúc, sầm uất lại có một nơi hoang tàn đến như vậy. Phía cổng sau, ngay trên lối đi, cỏ mọc um tùm trên những vũng nước đen ngòm. Khoảng đất trống phía trước cánh cổng sắt hoen gỉ, tróc hết sơn thành nơi tập kết rác thải, gỗ và vật liệu xây dựng của các hộ dân gần đó. Phòng thường trực, tường rêu loang lổ, cửa sổ đã mất cánh, cửa ra vào mối mọt ăn quá nửa. Dưới nắng chiều gay gắt, mùi xú uế từ các bãi rác lưu cữu lâu ngày bốc lên nồng nặc.
Đi sâu vào trong, cảnh tượng còn hoang tàn hơn. Dãy nhà điều hành đủ cả phòng lãnh đạo, phòng ban chuyên môn như chìm xuống sau lớp cỏ dại, các cánh cửa đều đóng im ỉm, tường phủ kín rêu xanh. Vào sâu hơn nữa, chỉ thấy biển hiệu của một gara sửa chữa ô tô và tấm biển đề "Trường Trung học Công nghệ giao thông vận tải" là còn sáng màu sơn. Dãy nhà kho cuối khu đất có vài chiếc xe tải nhỏ vào ra. Nhóm công nhân đang bốc xếp hàng hóa, thấy người lạ đi vào, liền dừng tay, dò xét…
Thật khó tưởng tượng được là giữa khu vực nội thành phát triển khá sôi động trong những năm gần đây mà phần lớn diện tích đất vàng này lại chỉ để... trồng cỏ (!?) Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường ngày 26-6-2012, công ty CP Thiết bị giáo dục 1 đã có những vi phạm như sau: Ký hợp đồng cho các tổ chức khác thuê nhà, nhà xưởng và kho sử dụng không đúng mục đích; sử dụng đất không hiệu quả; cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, vi phạm các quy định của Luật Đất đai năm 2003. Tính đến tháng 12-2010, Công ty hiện còn nợ tiền thuê đất là hơn 4,2 tỷ đồng. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP Thiết bị giáo dục 1, đề nghị UBND TP thu hồi diện tích 22.340m2 giao cho Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) quản lý và lập phương án sử dụng phù hợp với quy hoạch. Ngày 5-7-2012, UBND TP có văn bản đồng ý với kiến nghị trên, giao các đơn vị liên quan lập hồ sơ trình thành phố ra quyết định thu hồi. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đến thời điểm này, hồ sơ đề nghị thu hồi đất đã được hoàn thiện, trình UBND TP.
Ông Nguyễn Lê Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liệt cho biết, khu đất của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 nằm ở vị trí tương đối kẹt giữa các khu dân cư, trên tuyến phố Phan Đình Giót là phố nhỏ, cơ sở hạ tầng còn kém. Vi phạm của công ty về công tác quản lý, sử dụng đất đã rõ, sau khi nhận được thông báo của UBND TP về việc lập hồ sơ thu hồi diện tích đất trên, chính quyền phường đã có văn bản đề nghị được giao một diện tích phù hợp để xây chợ dân sinh và các công trình công cộng, thể thao, văn hóa. Do cho đến nay vẫn chưa có chợ dân sinh nên phường Phương Liệt có tới 4 chợ tạm họp ngay trên lòng, lề đường, dù biết là gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, nhưng theo lãnh đạo phường thì "cũng không còn cách nào khác".
Để bảo đảm khách quan, ngày 2-8-2012, chúng tôi đã đến trụ sở chính của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 tại số 18/30 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng để liên lạc làm việc. Mặc dù có mặt tại trụ sở nhưng bà Hoàng Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc công ty vẫn từ chối làm việc với phóng viên. Và cho đến thời điểm này, chúng tôi cũng vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ Công ty CP Thiết bị giáo dục 1.
Theo nguồn tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường, cuối tháng 7-2012, Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 đã mời một đối tác nước ngoài lập dự án liên doanh nhằm đưa vào sử dụng khu đất tại số 62 Phan Đình Giót, tuy nhiên giải pháp trên vẫn chưa đủ điều kiện để được cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét giải quyết. Trong khi đó, hơn 2 vạn người dân phường Phương Liệt vẫn đang mong mỏi một quyết định kịp thời của cấp có thẩm quyền để 22.340m2 "đất vàng" bỏ hoang được đưa vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.