Đổi mới cách đánh giá cán bộ ở Phú Xuyên
Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 16/08/2012
Những chuyển biến tích cực này ở Đảng bộ huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đang tạo nên hiệu ứng tích cực, gợi mở nhiều cách làm cho các đảng bộ khác theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Tác dụng của cấp dưới "đánh giá" cấp trên
Bước sang nhiệm kỳ 2010-2015 với quyết tâm: "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở", Đảng bộ huyện Phú Xuyên đã đổi mới phương pháp, cách thức nhận xét, đánh giá cán bộ. Bắt đầu từ năm 2011, toàn bộ số cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện được đánh giá 2 lần/năm (trước đây là 1 lần/năm) và 1 lần/năm đối với 3 chức danh chủ chốt cấp xã. Thay vì "tự đánh giá, nhận xét, xếp loại", nay mở rộng đối tượng tham gia đánh giá. Cấp xã trực tiếp cho ý kiến nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện; các xã cũng được quyền "đánh giá chéo" lẫn nhau.
Sau một năm rưỡi áp dụng quy chế mới, Bí thư Đảng ủy xã Vân Từ Nguyễn Văn Bằng nhận xét,
có hai tín hiệu dễ nhận thấy đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, đó là chất lượng công việc nhanh, hiệu quả hơn; mối quan hệ giữa cấp huyện với cấp xã tốt hơn. Muốn được nhận xét, đánh giá tốt đòi hỏi cán bộ huyện phải tích cực giải quyết công việc được giao, buộc người cán bộ phải tự soi và điều chỉnh bản thân. Cũng theo ông Nguyễn Văn Bằng, quy chế mới còn cho phép các xã "đánh giá chéo" lẫn nhau, điều trước đây chưa hề có tiền lệ. Với nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong tiêu chí đánh giá, đặc biệt thông qua tiếp xúc, trao đổi công việc thường xuyên, lãnh đạo xã này dễ nhận biết lãnh đạo xã kia có năng lực hay không, tạo cơ chế giám sát lẫn nhau, khích lệ cán bộ chủ chốt cấp xã.
Theo ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên, cách làm này đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, khắc phục bệnh hình thức, thành tích giúp công tác đánh giá, nhận xét cán bộ đúng thực chất. Năm 2011, đánh giá 627 cán bộ quản lý xã, thị trấn diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 35% (trước đây hầu hết cán bộ đều hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ được giao); số hoàn thành tốt nhiệm vụ là 62,5%; hoàn thành nhiệm vụ là 2% và 0,5% chưa hoàn thành nhiệm vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đánh giá 65 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện cơ bản đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, chất lượng thực thi công việc chuyển biến rõ rệt hơn.
Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hùng Vỹ cho biết, căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, thời gian qua Huyện ủy đã có sự điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh luân chuyển cán bộ và kịp thời có phương án điều động, sắp xếp đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, Huyện ủy luân chuyển 5 cán bộ về làm Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn. Lần đầu tiên, Huyện ủy thí điểm luân chuyển ngang Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Phú Minh về làm Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong nhằm tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, trau dồi kiến thức thực tiễn để trưởng thành hơn. Ngoài ra, với phương châm, một người không giữ một chức danh quá hai nhiệm kỳ, đầu tháng 9 tới, Huyện ủy tiếp tục luân chuyển 29 hiệu trưởng, hiệu phó trường mầm non, tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, khảo sát ở cấp xã có cán bộ gần 20 năm liên tục đảm nhận một chức danh, khó tránh khỏi "sức ỳ" và các hiện tượng tiêu cực, nhất là ở vị trí nhạy cảm. Vì vậy, Huyện ủy từng bước điều động, luân chuyển 7 chức danh chuyên môn cấp xã. Trước mắt, trong năm nay, 23 cán bộ địa chính - xây dựng và 16 cán bộ kế toán - ngân sách xã, thị trấn sẽ được điều động, luân chuyển.
Luân chuyển cán bộ đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ huyện Phú Xuyên, gắn với tiêu chuẩn hóa các chức danh cán bộ. Hiện tại, khoảng 70-80% cán bộ trẻ cấp xã trong huyện đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Tự giác học tập, nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực chuyên môn trở thành phong trào của đội ngũ cán bộ xã. Với đà này, Phú Xuyên sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu của Đảng bộ TP Hà Nội đề ra: Đến năm 2015 có 80% trở lên cán bộ chủ chốt cấp xã đạt trình độ đại học.