Thể thao học đường - Một điểm khuyết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 16/08/2012
Năm học mới bắt đầu với niềm vui và những lo âu từ phía phụ huynh học sinh, nhất là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế gia tăng, "gánh nặng học hành" không có dấu hiệu thuyên giảm. "Dấu ấn" năm học cũ, bên những biểu hiện tích cực là tiêu cực, như "vụ Đồi Ngô" và thực tế ở một số nơi vẫn chưa thôi tác động đến cách nhìn của xã hội về sự dạy và học, liên quan đến "bệnh thành tích".
Có những điều không gây "sóng gió học đường" như vấn đề gian lận trong thi cử, dạy - học thêm, các loại phí, thiếu chỗ học cho trẻ… nhưng có một vấn đề tác động rất lớn đến sự trưởng thành của trẻ, về thể chất và tinh thần lại ít được đề cập, hoặc đề cập không đến nơi đến chốn. Đó là: thể thao học đường.
Ngày tựu trường của trẻ bắt đầu sau khi Olympic London 2012 kết thúc chỉ vài ngày, giới truyền thông bắt đầu "mổ xẻ" thất bại của Đoàn thể thao Việt Nam và qua đó, khá nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quan ngại của nhiều người đối với tương lai của thể thao Việt Nam tại các đấu trường tầm cỡ châu lục và thế giới, ít nhất là Olympic mùa hè 2016 là do thể thao ở ta thiếu tính nền tảng, thể thao học đường rất yếu, không thể tạo cơ hội cho các nhà tuyển chọn vận động viên. Những dẫn chứng về thể thao học đường ở một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy sự khác biệt rõ ràng. Chẳng hạn như một trường trung học ở Mỹ đã đóng góp vài chục tuyển thủ quốc gia dự Olympic 2012. Các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền quốc gia của ta từng đối đầu với các đội tuyển sinh viên nước ngoài và không ít lần chịu thua thuyết phục…
Nhưng thể thao học đường không chỉ tạo nền cho thể thao đỉnh cao, điều quan trọng là hệ thống ấy giúp tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ, giúp thanh - thiếu niên Việt Nam rèn luyện thân thể, bồi bổ tinh thần, giúp ích cho sự học để phụng sự quốc gia.
Hệ thống ấy ở Việt Nam còn yếu. Cái sự yếu do thiếu quỹ đất xây dựng các trung tâm thể thao cấp trường, cụm trường và thiếu kinh phí cho việc đó; thiếu đội ngũ giáo viên giỏi và kinh phí đủ để khích lệ cống hiến; thiếu những ý tưởng vận động nguồn lực xã hội hóa để hình thành hệ thống câu lạc bộ thể thao trong trường học và các giải đấu tương ứng… Phía sau những sự thiếu ấy, người ta còn thấy sự thiếu quyết tâm phối hợp giữa hai ngành liên quan trực tiếp đến việc này - ngành giáo dục - đào tạo và văn hóa - thể thao - trong đó có vai trò quan trọng của cấp chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước. Những biện luận về sự có mặt của một giải đấu cấp quốc gia như Hội khỏe Phù Đổng thực sự không có ý nghĩa thuyết phục bởi nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, không ít địa phương đã đưa "quân bán chuyên" dự giải này nhằm nâng cao thành tích. "Bệnh thành tích" dẫn đến cách nuôi nấng tài năng trong độ tuổi học sinh theo kiểu "nuôi gà chọi", thay vì dồn sức tạo nền tảng thể thao học đường ở địa phương rồi tuyển người nổi bật có thành tích cao.
Thể thao học đường ở Việt Nam còn yếu do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Thay đổi hiện trạng ấy không phải chuyện dễ, bởi sẽ phải "dọn dẹp" thứ tư duy chỉ cần "duy trì các tiết học thể dục" là đủ có thể thao học đường, chẳng cần đầu tư cơ sở tập luyện, chẳng cần lo dinh dưỡng, y tế, nghiên cứu đánh giá xem thể trạng học sinh phù hợp với môn thể thao nào. Cho nên, xác định lại quan điểm rồi thì phải chịu khó xây dựng chiến lược đầu tư nguồn lực về đất đai, kinh phí, mời gọi tài trợ phục vụ trẻ "chơi mà học"…
Chuyện "làm lại" hẳn có nhiều khó khăn nhưng chắc chắn là việc đáng làm, vì tương lai con trẻ và vì tương lai đất nước.