Bảo vệ môi trường hồ Hà Nội: Trách nhiệm của cả cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 05:50, 15/08/2012
Nỗ lực trả lại không gian xanh
HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND và thông qua đề án: Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó giải quyết vấn đề ô nhiễm hồ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Để triển khai nghị quyết của HĐND, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với tổ công tác liên ngành và các nhà khoa học lựa chọn công nghệ phù hợp thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước tại một số hồ có mức độ ô nhiễm cao. Trong hai năm (2009-2010), quy trình xử lý bằng công nghệ vi sinh kết hợp với trồng cây thủy sinh tạo cảnh quan trên mặt hồ đã được triển khai tại 7 hồ (hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Ngọc Hà, Kim Liên và hồ Dài). Quá trình làm sạch các hồ đã có kết quả khả quan, chất lượng nước hồ sau xử lý trong hơn và giảm mùi hôi rõ rệt, thủy sinh vật phát triển tốt, cảnh quan đẹp hơn so với trước khi xử lý và được cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh các hồ đồng tình ủng hộ. Tiếp nối thành công, từ năm 2010 đến nay, UBND TP Hà Nội tiếp tục cho triển khai nhân rộng việc xử lý ô nhiễm nước hồ tại 5 hồ (Thanh Nhàn, Thanh Nhàn 2B, Văn Quán, hồ Võ và hồ Đền Lừ). Đến nay, trong tổng số 12 hồ đã và đang xử lý, có 8 hồ (Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Quỳnh, Đền Lừ, Thanh Nhàn 1, Văn Quán, Võ Quán) đã bàn giao cho các đơn vị tiếp nhận quản lý, duy trì chất lượng nước.
Hồ Thiền Quang sau khi được cải tạo. Ảnh: Bá Hoạt |
Nâng cao ý thức, trách nhiệm
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay chính là nhận thức và cách ứng xử của cộng đồng cư dân với hồ chưa song hành cùng nỗ lực của các cơ quan quản lý. Đa số người dân đồng thuận rất cao trong việc bảo vệ hồ, nhưng sự thống nhất trong hành động còn hạn chế. Tại một số hồ sau xử lý vẫn xảy ra hiện tượng người dân thiếu ý thức xả rác thải, nước thải xuống hồ gây nên tình trạng tái ô nhiễm. Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, sự tham gia của cộng đồng, trong đó vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội là rất quan trọng. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nói chung và môi trường hồ nói riêng trong nhân dân. Tại hội thảo "Giới thiệu chương trình xử lý hồ nhằm thành lập đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương để giám sát, góp phần bảo vệ môi trường hồ Hà Nội", ông Đỗ Quốc Ân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội cho rằng, ngoài các biện pháp cải tạo hồ, xử lý các cơ sở vi phạm, xả nước thải, rác thải xuống hồ gây ô nhiễm, cần sự chung tay của cộng đồng bảo vệ môi trường hồ. Muốn vậy, các địa phương có hồ phải tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc giám sát bảo vệ môi trường. Công việc này phải được thực hiện thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, bên cạnh đó phải có cơ chế rõ ràng trong bảo vệ môi trường hồ. Ông Đỗ Quốc Ân nhấn mạnh, sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường hồ không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người dân. Nếu được phép tham gia nhiệm vụ này, nên để hội cựu chiến binh các địa phương làm nòng cốt trong giám sát - ông Đỗ Quốc Ân đề xuất.
Tại khu vực nội đô Hà Nội có hơn 100 ao, hồ với tổng diện tích mặt nước 1.165ha, trong đó có 14% ao, hồ bị ô nhiễm rất nặng, 25% ao, hồ ô nhiễm nặng, 32% có dấu hiệu bị ô nhiễm; 58% ao, hồ chưa được kè, hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm. Nhiều ao, hồ đang đứng trước nguy cơ bị biến thành nơi tập kết rác thải. Nguồn ô nhiễm chủ yếu từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp và một phần rác thải do người dân thiếu ý thức xả xuống hồ. |