Phải xác định vai trò người đứng đầu trong phòng chống thiên tai

Chính trị - Ngày đăng : 15:47, 14/08/2012

(HNMO) - Ở một số nước, nếu chỉ chậm ứng phó với thiên tai thì tỉnh trưởng đã có thể bị cách chức. Còn tại nước ta, dự báo sai, chỉ đạo sơ tán dân chậm trễ gây thiệt hại không nhỏ nhưng chưa có ai phải chịu trách nhiệm cả (!)


Đó là ý kiến của không ít thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi thảo luận về dự án Luật Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày ngày 14- 8.

Lấy dẫn chứng từ việc trong hơn 30 năm qua, tại Việt Nam, bình quân mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban soạn thảo luật cần đưa vào những chế tài nghiêm ngặt về trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan liên quan trong lĩnh vực này.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH cũng nhận xét, dự thảo luật có tới 42 điều khoản quy định còn chung chung, không dẫn chiếu hoặc quy định không rõ, dễ dẫn đến khó thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện tùy tiện. Cơ quan này nhận định, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp. Do đó, cần rà soát chức năng của từng đơn vị để luật hóa và có cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện pháp luật về phòng chống thiên tai. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền của người đứng đấu UBND các cấp, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn nơi trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trong việc huy động nguồn lực phòng chống thiên tai và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp, di dời nhân dân ra khỏi vùng thiên tai.

Bên cạnh chế tài trách nhiệm, quy định lập Quỹ phòng chống thiên tai cũng là vấn đề được tranh luận khá sôi nổi. UBTVQH nhận định, rất cần quỹ này nhưng cấp nào có quỹ, khoản đóng góp bắt buộc này là thuế hay là phí, ai có quyền quy định cần đề xuất cụ thể để tránh tùy tiện khi thực hiện. Mặt khác, để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành địa phương, cần có một ủy ban quốc gia về phòng tránh thiên tai, vì chỉ riêng một bộ ngành chắc chắn không lo nổi...

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi).

Hà Phong