Lực lượng vũ trang Thủ đô trong chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972

Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 15/12/2022

(HNM) - 1.

Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 18, rạng sáng 19-12-1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trên cơ sở dự báo chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội và kinh nghiệm trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã quán triệt sâu sắc chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, chủ động tham mưu cho thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, phát triển lực lượng, củng cố thế trận phòng không nhân dân phù hợp với tình hình mới. Hà Nội đã đẩy mạnh kiện toàn, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt tiến hành công tác phòng không nhân dân. Trọng tâm là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phòng không hoạt động tập trung và tăng cường tổ chức các đội “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu ở cơ sở. Cùng với xây dựng lực lượng rộng khắp, bổ sung vũ khí, trang bị và đẩy mạnh huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho cán bộ, chiến sĩ, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với các lực lượng, cơ quan và nhân dân trên địa bàn xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững mạnh, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.

19h25 ngày 18-12-1972, chiến dịch phòng không của quân dân ta chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ bắt đầu. Dưới sự chỉ huy thống nhất tập trung từ Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, các đơn vị phòng không, không quân, các đơn vị trực chiến của dân quân tự vệ đã chiến đấu mưu trí, kiên cường, ngay đêm đầu tiên (18-12-1972) bắn rơi 3 pháo đài bay B-52. Ba ngày tiếp theo, quân dân ta đã tiêu diệt 23 máy bay, trong đó có 9 máy bay B-52.

Đối phó với thủ đoạn dùng máy bay F-111 hoạt động ở độ cao thấp và rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã điều chỉnh lực lượng hợp lý và bố trí thế trận hiểm hóc, nhanh chóng tổ chức và trực tiếp chỉ huy một đại đội tự vệ với 5 súng máy cao xạ 14,5mm gồm 3 trung đội tự vệ của 3 nhà máy gần nhau: Nhà máy Gỗ Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Mai Động và Nhà máy Cơ khí Lương Yên... Sáng 22-12-1972, đại đội cơ động đến trận địa Vân Đồn, thuộc quận Hai Bà Trưng bố trí chiến đấu nhằm phục kích, đón lõng đường bay đột nhập của máy bay địch, đến 20h18, các khẩu đội bắt mục tiêu đồng loạt nổ súng, máy bay địch trúng đạn bốc cháy rơi xuống huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Từ ngày 25-12-1972, để đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của không quân Mỹ và rút kinh nghiệm chiến đấu, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức lại thành 23 trận địa tập trung, bố trí thành từng cụm phục kích đón lõng các đường bay địch, nhờ đó, hiệu quả chiến đấu của quân dân ta ngày càng cao. Qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân miền Bắc giành thắng lợi to lớn. Riêng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 máy bay B-52, 2 máy bay F-111 và 5 máy bay chiến thuật...

2. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại bài học sâu sắc, mãi còn nguyên giá trị về công tác nắm bắt tình hình, dự báo chiến lược; chủ động tham mưu, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức chiến tranh nhân dân, nhất là xây dựng lực lượng, thế trận, tổ chức phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tiến hành công tác phòng không nhân dân, sơ tán, phòng tránh, đánh trả…

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục coi Hà Nội là địa bàn trọng điểm để tập trung chống phá. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống còn diễn biến phức tạp... Những vấn đề trên là thách thức lớn đối với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới, lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (19/10/1946 - 19/10/2022) vận dụng sáng tạo kinh nghiệm truyền thống, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình mới; tích cực đổi mới và tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ Thủ đô vừa mang đầy đủ nét đặc trưng văn hóa người Hà Nội, vừa kế thừa, phát huy bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, nắm chắc tình hình, tham mưu xử lý kịp thời theo đúng chức năng từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, chủ động làm tốt công tác tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, trước hết là “thế trận lòng dân” vững chắc; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng an ninh trong khu vực phòng thủ; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Ba là, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; tích cực, chủ động xây dựng thế trận phòng không nhân dân bảo vệ Thủ đô trong thế trận phòng không quốc gia với đầy đủ yếu tố, thành phần, lực lượng, bảo đảm liên hoàn, vững chắc, bất ngờ, hiểm hóc trong điều kiện phòng, chống vũ khí công nghệ cao.

Bốn là, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 765-NQ/QUTƯ ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, huấn luyện lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ sát đối tượng và thực tiễn bảo vệ Thủ đô, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị, phát huy được kinh nghiệm truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam; coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; xây dựng các phương án tác chiến, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, tổ chức kiện toàn, duy trì hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng, tiểu ban, ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từ thành phố đến cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong phòng thủ dân sự, phòng không nhân dân; quản lý chặt chẽ công trình quốc phòng và khu quân sự, xây dựng hệ thống cơ sở kỹ thuật đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ; phát huy lợi thế, tiềm năng trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật trong công tác quân sự, quốc phòng của Thủ đô trong tình hình mới.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là dịp để quân và dân cả nước nói chung, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô nói riêng ôn lại chiến công hào hùng, một mốc son trong lịch sử dân tộc. Qua đó, giáo dục, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần, sức mạnh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình.

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Lan Hương đã tri ân sâu sắc công lao đóng góp của cựu chiến binh, gia đình chính sách, mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Nguyên Hoa

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt