Bao giờ hết loạn số nhà?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 14/08/2012
Chuyện loạn số nhà, nhầm tên phố (Đỗ Hành thành Đỗ Hạnh; Phạm Đình Hổ thành Phạm Đình Hồ, xóm Hà Hồi thành Hạ Hồi…) có từ đã lâu và nói công bằng, đã có một số cố gắng nhưng chưa đủ khiến người dân, nhất là những người lần đầu phải tìm đến địa chỉ ấy, những người công việc hằng ngày rất cần địa chỉ chính xác như người đưa hàng, đưa thư, lái taxi… và tiến lên hơn là để nhằm xây dựng bản đồ định vị GPS cho thành phố. Có thể nói rằng với một hệ thống hàng trăm nghìn số nhà sai, cách sắp xếp số nhà lộn xộn như hiện nay, không thể xây dựng một bản đồ định vị cho Hà Nội chính xác, phục vụ trước hết cho các nhu cầu dân sinh được.
Phiền phức thường gặp nhất là lộn xộn về số nhà. Với nhiều nơi khác, số nhà lộn xộn chủ yếu là ở các đường phố mới, khu đô thị mới. Nhưng ở Hà Nội, cả phố cũ, phố mới đều loạn số nhà, loạn chiều đánh số, loạn bên chẵn bên lẻ. Phố cũ hoặc dở mới dở cũ, có thể kể đến phố Phùng Hưng, phố Hàng Cháo, các "phố" trong khu hồ Văn Chương (không biết ngõ hay phố và có phải hồ Văn Chương không hay hồ Huy Văn?), phố Ngọc Khánh, phố Hoàng Hoa Thám, đường đê La Thành, đường đê Đại La. Phố mới, chẳng hạn như Trần Thái Tông (Nguyễn Phong Sắc kéo dài), Xã Đàn (đường mới Kim Liên - Ô Chợ Dừa), Lê Văn Lương… Ở những phố này, nhiều khi một số có đến mấy nhà; đang số chẵn thành số lẻ và ngược lại; đang tiến bỗng lùi; đang đánh số bình thường bỗng chêm vào hàng chục số "không giống ai" (Ngọc Khánh, Láng Hạ); số 1 ở một đầu phố, số 5 lại ở một đầu phố ngược lại (Ngọc Khánh)… Tên phố cũng vậy, do không có quy hoạch, không xếp loại trước nên có những địa danh hoặc những người vai trò lịch sử, văn hóa không lớn nhưng lại được đặt tên cho những đường phố dài rộng và ngược lại. Với rất nhiều tên phố, người dân không biết lai lịch như thế nào, nên càng khó nhớ. Cũng phải kể đến từ sau khi Hà Nội mở rộng, cùng một thành phố nhưng lại có rất nhiều phố trùng tên nhau. Đã bắt đầu phải ghi rõ trên bì thư phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), để phân biệt với phố Quang Trung (quận Hà Đông) hoặc phố Quang Trung (thị xã Sơn Tây). Liệu có cách nào để tránh sự phiền phức này không?
Vẫn biết đặt và thay đổi tên phố, ổn định số nhà là một việc rất khó khăn, liên quan đến hàng vạn con người, rất nhiều giấy tờ hành chính quan trọng như chứng minh thư, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, sổ hộ khẩu… ngay cả đến địa giới hành chính, số liệu cơ bản của các phường, xã, quận, huyện nhưng đó là việc không thể không làm vì nó là bộ mặt cũng như trật tự hành chính của thành phố, không chỉ thiết thân với đời sống người dân mà còn liên quan đến du lịch, khoa học công nghệ… trên đường CNH, HĐH. Vì vậy, người dân Hà Nội rất chờ đợi một nghị quyết của HĐND hoặc một cam kết của những người có trách nhiệm về thời hạn cuối cùng của việc sắp xếp này.