Nên “cứu” cả người tiêu dùng
Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 13/08/2012
Cứu bằng chính sách
Theo khảo sát quý I-2012 của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, có tới 73% số người được hỏi cho rằng hiện không phải thời điểm thích hợp để mua sắm, 84% cho biết đã phải thay đổi thói quen tiêu dùng để thích ứng với tình trạng giá cả tăng cao trong khi việc làm và thu nhập lại bấp bênh hơn trước.
Cần quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.Ảnh: Như Ý
Nhiều chuyên gia cho rằng, "cứu" doanh nghiệp lúc này là cần thiết, nhưng khi người tiêu dùng không có nhu cầu hoặc không có khả năng tiêu thụ xem như doanh nghiệp cũng chưa được giải thoát. Bởi vậy, ngoài việc "cứu" doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần thực hiện song song các biện pháp "cứu" người tiêu dùng như miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng thiết yếu, miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân, đẩy mạnh các chương trình bình ổn giá với việc mở rộng hơn về hàng hóa và đối tượng thụ hưởng, khuyến khích mở rộng các chương trình tiêu dùng phù hợp (kể cả cho vay tiêu dùng), hạ giá sản phẩm hàng hóa, giảm thuế thu nhập cá nhân trong thời gian ít nhất là một năm… nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo nên những tác động tích cực đối với sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề được cho là mấu chốt khi đặt ra việc "cứu" người tiêu dùng là bảo vệ họ. Tình trạng nhập khẩu, sản xuất và lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại... rộ lên mạnh trong thời gian qua, trong khi việc giám sát, kiểm tra và xử lý của cơ quan chức năng còn quá nhiều hạn chế khiến cho người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải tự bảo vệ mình. Vụ việc hàng trăm người dân thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) chiều 16 và sáng 17-7 đã mang một số hàng gia dụng (xoong nồi, chảo, dao...) trả lại người bán - do chất lượng kém, hàng Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cao hơn giá thị trường nhiều lần... công an phải vào cuộc, tạm giữ 145 bộ sản phẩm có tổng trị giá 232 triệu đồng do người dân trả lại - tuy chỉ mang tính tự phát và cá biệt, song đã cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng không thể tiếp tục làm ngơ trước các hành vi kinh doanh vô đạo đức, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Thực tế là để xây dựng một thị trường lành mạnh, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng..., hàng hóa lưu hành trên thị trường phải qua sự kiểm định của cơ quan quản lý chất lượng; thực phẩm phải qua cơ quan kiểm dịch; cơ quan y tế dự phòng, nhà hàng, quán ăn phải được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm...
Và bảo vệ bằng pháp luật
Tại hội thảo "Nhìn lại một năm triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" tổ chức ngày 18-7 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương khẳng định, số lượng các vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa, bảo hành… tăng lên, chứng tỏ người tiêu dùng đã bắt đầu ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và đặt niềm tin vào các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hạn chế lớn nhất là chúng ta vẫn chưa hoàn thiện cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Các địa phương hiện đang giao nhiệm vụ này cho những đầu mối khác nhau như Chi cục Quản lý thị trường, phòng kinh tế quận, huyện, phòng quản lý thương mại, hoặc Phòng Kinh tế đối ngoại của Sở Công thương... nên gây ra sự đứt quãng, thiếu đồng bộ trong biện pháp và hành động, làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền, cơ quan nhà nước. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thì lại chưa được thành lập ở tất cả các địa phương, nơi đã thành lập thì vai trò, hiệu quả hoạt động cũng rất mờ nhạt…
Không chỉ có vậy, ngay cả các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án cũng thờ ơ với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà câu chuyện về việc ngày 13-2-2011, anh V.S.T tại Hà Nội vào sử dụng dịch vụ ở nhà hàng My Way (24T2 Trung Hòa - Nhân Chính) bị mất xe máy song không được bồi thường là một ví dụ. Sau khá nhiều lần chủ động đàm phán không thành, anh T. phải đưa vụ việc ra tòa. Gần một năm sau, ngày 10-5-2012, TAND quận Cầu Giấy mới đưa vụ việc ra xét xử và… bác yêu cầu đòi bồi thường của anh T., khiến rất nhiều người quan tâm đến vụ kiện bất bình, các luật sư thì thất vọng nhận xét: Đây là một thất bại của việc đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc sống!
Thế nên, trong tình hình thị trường đang có nhiều diễn biến phức tạp, để được "cứu" thực sự, người tiêu dùng vẫn đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng phải "nói" đi đôi với "làm" một cách quyết liệt, đầy đủ, có hiệu quả để tạo cho được một môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật và bảo vệ được quyền lợi của họ trên thực tế.