Tiếng kêu thống thiết từ rừng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 13/08/2012

(HNM) - Vào lúc vụ việc hình ảnh hai con vọoc chà vá bị sát hại gây sốc dư luận còn chưa lắng xuống thì một bản báo cáo của Quỹ Thế giới bảo tồn động vật hoang dã (WWF), thực hiện đã xếp Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia kém nhất thế giới trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã và phải nhận phạt "thẻ đỏ" đối với hai loài tê giác và hổ. Tổ chức này cũng xếp Việt Nam là quốc gia yếu kém nhất trong bảng đánh giá năng lực kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã.


Ngay lập tức, CITES Việt Nam, cơ quan đại diện cho Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đã lên tiếng phản đối đánh giá này. CITES Việt Nam cho rằng những thông tin đánh giá thiếu khách quan và toàn diện này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và nỗ lực thực thi luật pháp của Việt Nam trong cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã theo công ước quốc tế.

Song, dù sự thật thế nào thì việc bị xếp vào hạng chót cũng đã là một nỗi buồn rất lớn. Càng buồn hơn khi trong cuộc sống hằng ngày rất nhiều người Việt từng biết nhiều về hổ, gấu, tê giác, voi… nhưng đó là những thông tin người ta đang săn bắt, buôn bán các loài thú quý hiếm này, vì được đồn thổi là thần dược nên nhiều người có tiền săn lùng. Từ rất lâu rồi dư luận đã lo lắng, đau xót về việc nhiều loài động vật hoang dã đang mất dần. Trong rừng, các loài thú bị săn bắt gắt gao, càng quý hiếm càng bị tận diệt. Ngay cả môi trường sống của chúng là những cánh rừng già cũng đang dần bị thu hẹp bởi những công trình công nghiệp, bởi nạn khai thác bừa bãi, bởi con người ngày càng sinh sôi cần thêm đất đai để sống. Còn ở ngoài rừng, không phải là nơi sinh sống của thú hoang nhưng lại là "nơi tập kết" rất đông của các loài bị săn bắt buôn bán về đây. Từ miền núi về tới xuôi, đâu đâu cũng dễ bắt gặp những quán ăn "đặc sản thú rừng" treo biển công khai. Săn tìm thú quý hoặc các bộ phận của chúng để làm mồi nhậu, ngâm rượu, làm thuốc, để bày biện khoe mẽ trong nhà đã thành thú chơi của một bộ phận người có tiền. Và khi nhu cầu thị trường cao thì người ta sẵn sàng bất chấp để tìm được "nguồn hàng".

Trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều điều đáng bàn. Chúng ta đã có luật để xử lý sai phạm. Việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các loài động vật hoang dã cũng đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhưng việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thực tế, ngay cả việc cho phép tồn tại một số cơ sở nuôi nhốt các loài thú quý như hổ, gấu… cũng đang tạo kẽ hở cho việc lập lờ "đánh lận con đen" trong việc buôn bán, giết thịt động vật hoang dã và các vật phẩm từ chúng.

Cứ tình trạng này tiếp diễn, chẳng bao lâu nữa các hệ động vật hoang dã sẽ biến mất. Một vụ sát hại vọoc, một vụ bò tót chạy rông, một lời cảnh báo từ thế giới đã thêm âm thanh cho tiếng chuông báo động mạnh hơn. Vừa mới đây, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, từ ngày 10-8 bắt đầu nhận đề cử cho Giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã cho các cá nhân có đóng góp nổi bật. Đây là một động thái tốt. Song nó sẽ lẻ loi, lạc lõng nếu không có sự chung sức của cộng đồng.

Sau vụ giết vọoc ầm ỹ mới đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã phải thảng thốt trong lời thơ của mình rằng: Voọc, bạn đừng nhe răng chọc cười chúng tôi trên YouTube/Chúng tôi đã quá buồn rồi/Ở đây sẽ không ai khóc khi bạn nằm xuống/Những đứa trẻ khóc bạn thì chưa ra đời/… Các bạn hoang dã, các bạn hãy đi vào núi sâu/Cất tiếng gào để mỗi chúng tôi nghe thấy.

Tiếng lòng ấy của nhà thơ có lẽ cũng là những tiếng kêu thống thiết của các loài từ rừng xanh!

Nữ Quỳnh