Những người của một thời
Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 12/08/2012
Một thời đạn bom…
Khi bước vào căn nhà nhỏ của ông Phùng Gia Anh và bà Trần Thị Bích Ngọc (quận Bình Thạnh), chúng tôi như quên mất mình đang sống giữa dòng chảy cuồn cuộn Sài thành. Bà Ngọc bê ra nào là mứt gừng, kẹo bánh mời chúng tôi. Chồng bà, ông Gia Anh, thong thả tráng ấm pha trà, đợi chúng tôi nhấp xong ngụm trà tỏa hơi nghi ngút rồi mới gật gù: "Chú thấy hương vị thế nào? Trà Bắc nguyên chất đó!". Bà Ngọc tủm tỉm: " Ông nhà tôi pha thì khỏi chê!".
Vợ chồng ông Phùng Gia Anh, bà Trần Thị Bích Ngọc.
Ông Gia Anh và bà Bích Ngọc vốn là thế hệ TNXP Hà Nội từ năm 1954. Bà Ngọc lúc ấy mới tròn 19 tuổi đã tình nguyện gia nhập Đại đội 561 TNXP Hà Nội (thuộc Đoàn 56 lúc bấy giờ) lên xây dựng nhà máy chè trên tỉnh Phú Thọ. Những ngày đầu, cô gái trẻ Hà thành vốn mang dáng dấp tiểu thư vẫn chưa thể quen với công việc lao động chân tay. Mỗi lần gánh gạch đá xa hàng chục cây số giữa cái lạnh giá của miền sơn cước, cô đã bật khóc tức tưởi khi đêm về chân tay sưng phù, bả vai rớm máu và toàn thân đau nhức...
Cũng như bà Ngọc, cựu nữ TNXP Ngô Thị Kim Thoa (quê huyện Đông Anh, hiện sinh sống quận 3 TP Hồ Chí Minh) tuy đã 65 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những tháng ngày hào hùng. Cách đây 47 năm là thời điểm đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc (năm 1965) thì cũng là lúc Kim Thoa tròn 18 tuổi - cái tuổi đẹp nhất của thời con gái. Như bao cô gái, chàng trai Thủ đô ngày ấy, Thoa gia nhập đơn vị C811 thuộc Tổng đội TNXP N43 Hà Nội với nhiệm vụ mở đường cho tiền tuyến, bắt đầu từ tuyến đường 15A thuộc địa phận huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), sau này thành con đường huyết mạch để vận chuyển đạn dược, lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Gần một năm ở đây, cứ mỗi khi đi gánh nước, Thoa và đồng đội phải băng qua đồi núi cả chục cây số. "Đêm thì phải đi vào những chỗ tối mới là đường mòn, nếu đi vào những chỗ phát sáng dạ quang là gai góc hay pháo sáng của địch, nguy hiểm lắm!" - bà Thoa xúc động nhớ lại. Tới đầu năm 1966, cả đơn vị của bà được điều động vào dãy Hoành Sơn (ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) làm nhiệm vụ xẻ núi, mở đường, bà đã thoát chết trong gang tấc khi vừa qua khỏi cầu sông Gianh (Quảng Bình) thì máy bay Mỹ ập tới bắn phá ác liệt …"Khắc nghiệt là thế nhưng sống trong không khí thời đó với lý tưởng cao đẹp và trong sáng, dần dần đã tôi luyện cho thế hệ chúng tôi một ý chí thép, để rồi vượt qua tất cả đến ngày hôm nay!" - bà Ngọc bồi hồi xen vào câu chuyện.
Cựu TNXP C811 một lần về thăm tuyến đường 15A huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Một thời hòa bình…
Sống ở TP Hồ Chí Minh đến nay, ông bà Gia Anh - Bích Ngọc đã xa Hà Nội ngót nghét 34 năm. Lâu là thế và sống giữa TP năng động nhất cả nước, nhưng vợ chồng bà vẫn giữ cho mình được cách sống bình dị vốn có. Căn nhà tuy nhỏ nhưng vẫn có tới ba thế hệ sống ấm cúng. "Mọi nếp sống sinh hoạt của người Hà Nội đều được chúng tôi duy trì. Ví như bữa ăn phải đầy đủ thành viên trong gia đình, mời chào đúng tôn ti trật tự…". Ông Gia Anh tự hào khi nói về truyền thống gia đình. Và thực sự khi nghe cháu gái lớn của ông bà vòng tay cúi đầu chào chúng tôi với giọng Hà Nội, mới thấy rõ những điều ấy.
"Bây giờ, mỗi lần về thăm Hà Nội, hai vợ chồng không thể không đi trên những con đường đầy hoa sữa, không thể không về làng Vòng ăn cốm hay đến những hàng phở trên đường Liễu Giai, Lò Đúc… Khuôn mặt bà Ngọc rạng rỡ hẳn khi nhắc tới quê hương.
Và dù sống giữa dòng chảy cuộc sống ngột ngạt, các cựu TNXP Hà Nội vẫn giữ nếp thăm hỏi, giúp đỡ nhau như thời gian khổ. Khi nghe tin người đồng đội cũ là bà Bùi Phương Thảo (Hà Nội) có con trai bị tâm thần, vợ chồng ông Anh bà Ngọc đã từ TP Hồ Chí Minh bay ra đưa mẹ con người đồng đội năm xưa vào TP chữa bệnh. Hiện giờ, hai mẹ con bà Thảo đã khỏe mạnh và trở lại Hà Nội sinh sống.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều cựu TNXP Hà Nội ở đây vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Như bà Kim Thoa, hiện đang tham gia Chi ủy phường 7, đồng thời là tổ trưởng Ban liên lạc TNXP Hà Nội. Khi công việc thu xếp đâu vào đấy, bà lại chạy đôn chạy đáo đến giúp đỡ bè bạn. Cuộc sống bộn bề là thế, nhưng hằng năm bà vẫn dành thời gian về thăm Hà Nội, bởi "Dù đi đâu hay làm gì, Hà Nội luôn ở trong tôi".