Du lịch biển Việt Nam: Loay hoay tìm thương hiệu
Du lịch - Ngày đăng : 05:31, 12/08/2012
Khách du lịch quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long bằng thuyền Kayak. Ảnh: Yến Ngọc
Vẫn là tiềm năng
Sở hữu bờ biển dài 3.260km với 125 bãi biển đẹp, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt nhận định, biển Việt Nam hội tụ đủ "3S" mà bất cứ khách nước ngoài nào cũng thích, đó là "sun" (ánh nắng mặt trời), "sea" (biển trong xanh) và "sand" (bãi cát đẹp). Vì thế, phần lớn các công ty du lịch, các hãng lữ hành trong nước đều đưa khách nước ngoài đến biển.
Với lợi thế đó, ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng: "Không ít bãi biển của Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế tương tự như Bali của Indonesia, Phuket của Thái Lan hay Lankawi của Malaysia, song vì phát triển tự phát, riêng lẻ, thiếu không gian kiến trúc tổng thể, đặc trưng nên chưa thực sự hấp dẫn du khách. Các khu nghỉ dưỡng ven biển có giá dịch vụ quá cao, không phù hợp với mức thu nhập của người dân trong nước nên một bộ phận không nhỏ khách nội địa đã lựa chọn các tour du lịch biển nước ngoài thay cho tour trong nước".
Các điểm du lịch biển cũng là đích đến của khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển. Trong khi nhóm khách hàng cao cấp này đến Việt Nam ngày một tăng thì cơ sở hạ tầng lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Là người trực tiếp khai thác nhiều tour bằng đường biển, bà Đoàn Thị Thanh Trà, cán bộ tiếp thị của Công ty Saigontourist cho biết, dọc hơn 3.260km bờ biển nước ta chưa có cảng chuyên biệt nào dành cho tàu du lịch, tàu biển chở khách vào Việt Nam phải neo đậu nhờ các cảng hàng hóa. Cảng hàng hóa không phải dùng để phục vụ du lịch nên thường thiếu từ chỗ nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, nơi bán hàng lưu niệm, đến dịch vụ vui chơi, giải trí… Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, tàu du lịch biển cỡ lớn không thể vào Cảng Nhà Rồng, phải đậu ở các cảng xa khiến khách mất rất nhiều thời gian di chuyển vào thành phố.
Đáng lo ngại hơn, nhiều bãi biển đang phải đối mặt với nguy cơ "thủy triều đỏ" hoặc "chết" do rác đô thị và sinh hoạt, chất thải từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, từ giao thông vận tải trên biển, khai thác dầu khí...
Làm gì để hấp dẫn?
Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển tăng liên tục trong 3 năm trở lại đây. Bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đón 38.612 lượt khách, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2011. Ngành du lịch đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách đến bằng đường biển, doanh thu từ du lịch tàu biển sẽ chiếm 10% tổng số doanh thu toàn ngành (hiện nay là 3-4%). Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cũng dự báo, du lịch biển sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Như vậy, du lịch biển không những giữ vai trò kết nối các tour, tuyến du lịch của Việt Nam mà còn là hướng phát triển tất yếu.
Đón đầu hướng phát triển này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ ngành du lịch nói chung, các điểm đến du lịch biển nói riêng phải xây dựng được thương hiệu từ chính nội lực. Theo ý kiến của ông Nguyễn Huyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Saigontourist thì ở góc độ doanh nghiệp, phải quan tâm xây dựng thương hiệu du lịch. Đó là việc tạo ra sản phẩm du lịch biển đảo gắn với văn hóa đặc thù của các địa phương; đồng thời đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch biển vừa có sức khỏe, nghiệp vụ, kỹ năng, vừa thông thạo ngoại ngữ, yêu nghề. Ở góc độ rộng hơn, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi tín dụng… cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch biển, đảo.
Với kinh nghiệm xây dựng khá thành công thương hiệu du lịch Mũi Né, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH,TT&DL Bình Thuận chia sẻ: Cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch và du khách là những yếu tố cơ bản tạo nên thương hiệu du lịch biển. Vì thế, xây dựng thương hiệu cho các điểm du lịch biển phải bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, sản phẩm du lịch tốt, ý thức người dân tốt…
Tìm hướng phát triển, nhóm các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đưa ra ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch biển Việt Nam từ nguyên liệu sẵn có hoặc bỏ đi (cát, muối và rác). Cát có thể dùng để phơi nắng, trượt cát, xây lâu đài cát, xây dựng khu nghỉ dưỡng chữa bệnh về cơ và da, spa… Khai thác muối để làm ma trận muối, hang động, bảo tàng, khách sạn, biệt thự muối… như nhiều nước đã làm. Tận dụng rác thải để xây dựng công viên trên biển. Độc đáo, khả thi nhưng sau hơn một năm công bố, ý tưởng này vẫn chưa thể triển khai do chưa tìm được nhà đầu tư.
Xu hướng phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch biển đã rõ, chỉ cần sự quan tâm đầu tư xứng tầm thì vẻ đẹp của biển có thể mang lại giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội tương xứng.