Cấm xe máy cũ: Cần lộ trình phù hợp

Đời sống - Ngày đăng : 08:04, 11/08/2012

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao Công an TP xây dựng

Ông Huỳnh Quân bên “cần câu cơm” của gia đình.


"Cần câu cơm" cho dân nghèo

Đã 6 năm nay, chiếc xe Honda Cup đời 78 là "cần câu cơm" chủ lực cho cả gia đình ông Huỳnh Quân, một người dân quê ở xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên) làm nghề chở hàng thuê ở Ga Sài Gòn từ năm 2006. Ông cho hay: "Vốn liếng không có, gia đình tôi phải huy động mãi mới đủ 1,5 triệu đồng để mua chiếc xe này. Thu nhập cũng được 100.000 đến 200.000 đồng/ngày, trừ chi phí ăn, thuê trọ và lo học hành cho con ở quê, mỗi ngày còn dư khoảng 30.000 đồng". Ông Quân "chăm sóc" chiếc xe thường xuyên, đặc biệt là hệ thống phanh chân luôn được kiểm tra trước mỗi chuyến chở hàng.

Ông Nguyễn Đức Thành đã có thâm niên 17 năm hành nghề xe ôm ở Ga Sài Gòn. Chiếc xe "thiên thần" (Angel - của hãng SYM) không chỉ là phương tiện kiếm sống mà đã trở thành "người bạn" thân thiết. Suốt 17 năm qua, ông vẫn giữ được thói quen thực hiện chế độ "chăm sóc đặc biệt" bảo đảm chiếc xe luôn chạy tốt. Ông Thành chia sẻ: "Có xe tốt mà không biết giữ gìn thì cũng nhanh hỏng. Xe của tôi được thay nhớt, bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất nên 17 năm qua xe vẫn hoạt động bình thường dù hình thức có kém đi. Việc cấm xe cũ để bảo vệ môi trường, giữ gìn nếp sống đẹp, bảo đảm mỹ quan đô thị là việc đúng, nên làm, nhưng cũng cần xem xét kỹ để tránh gây ảnh hưởng đến người dân nghèo như chúng tôi. Đất nước ta còn nghèo, không thể bắt người chạy xe ôm, chở hàng tạp hóa, chở nước đá phải mua xe mới!".

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn với gần 10 triệu dân, trong đó có hàng triệu người cuộc sống hằng ngày vẫn phải trông chờ vào những chiếc xe cũ kỹ. Ông Nguyễn Thành Công, nhà ở đường Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành (quận 1) tâm tư: "Đối với người nghèo, chiếc xe máy dù cũ nhưng là nồi cơm của cả gia đình. Có rất nhiều hệ lụy nếu như phương tiện kiếm sống của họ bị cấm. Vì thế, Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành, hoặc có chính sách hỗ trợ cho người dân thay đổi phương tiện kiếm sống. Nếu không, người nghèo sẽ càng thêm cơ cực".

Đại diện cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo quy chế, Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP) cho biết, hiện đã có quy định về niên hạn sử dụng xe tải, xe khách, trong khi xe máy chưa có. Việc ban hành niên hạn sử dụng sẽ giải quyết được tình trạng xe quá cũ, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Ô tô và Thiết bị động lực TP Đỗ Văn Dũng cho hay, nếu động cơ xe máy được bảo dưỡng tốt tuổi thọ có thể đạt 400.000 đến 500.000km. Tính bình quân một xe máy chạy khoảng 20.000km/năm thì thời gian sử dụng khoảng 20 năm các chi tiết máy mới bị hao mòn và cần phải thay thế. Đặc biệt, đối với nhiều gia đình, xe máy có giá trị như một tài sản, được sử dụng cẩn thận, thường xuyên bảo dưỡng nên dù xe đã cũ nhưng chất lượng vẫn bảo đảm. Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Dương Hồng Thanh, bất kể xe cũ hay xe mới, vấn đề mấu chốt là phải kiểm tra khí thải xe máy lưu thông trên đường, nếu đạt yêu cầu thì mới cho lưu thông. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cần làm ngay là kiểm định chất lượng, nếu chưa thực hiện được việc này thì không đủ căn cứ để cấm xe máy cũ. Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật, phương tiện dù cũ nhưng nếu bảo đảm an toàn thì cho lưu hành, phương tiện nào chưa bảo đảm thì yêu cầu sửa chữa, nếu không sửa chữa được nữa thì mới cấm.

Chí Kiên