Đầu tư nước ngoài: Sức hút thời khủng hoảng

Bất động sản - Ngày đăng : 07:37, 10/08/2012

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thì bất cứ sự duy trì hay chuyển biến tích cực thuộc lĩnh vực nào cũng rất đáng ghi nhận, bởi nó có tác dụng bù đắp lại những suy giảm về kinh tế.

Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam, một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả SXKD tốt tại Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng


Kết quả đáng khích lệ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu khí) 7 tháng đầu năm 2012 đạt 39 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 62% tổng KNXK cả nước. Rõ ràng, khu vực này vẫn duy trì được vai trò dẫn dắt, đóng góp phần lớn vào thành tích XK, trực tiếp tạo nguồn thu ngoại tệ, từng bước cân bằng cán cân thanh toán, xuất - nhập khẩu nói chung, đồng thời qua đó cũng khẳng định thương hiệu của hàng hóa "Made in Vietnam" trên thị trường quốc tế. Cũng trong thời gian trên, nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 32,9 tỷ USD, chiếm 52,2% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 7 tháng, khu vực ĐTNN đã xuất siêu 6,1 tỷ USD. Đây là kết quả ngoạn mục, thể hiện sức sống, sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ĐTNN và hơn nữa là góp phần làm giảm tỷ lệ nhập siêu của nền kinh tế - vốn do khu vực DN trong nước gây ra.

7 tháng đầu năm nay, cả nước có 584 dự án mới đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD, bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2011. Cũng dễ hiểu nếu xét trong bối cảnh các đối tác đầu tư truyền thống của Việt Nam, như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Những yếu tố khách quan đó khiến giới đầu tư buộc phải tạm hoãn những dự án đầu tư mới. Phân tích kỹ hơn cho thấy, lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tức là phù hợp với ưu tiên kêu gọi đầu tư của ta, vì những dự án này sẽ bổ sung nguồn lực đáng kể, với ưu thế là công nghệ cao để thúc đẩy tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Cụ thể, cả nước có 258 dự án ĐTNN thuộc ngành chế biến, chế tạo, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,5 tỷ USD, chiếm 68,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng đầu năm.

Một diễn biến tích cực khác là, mặc dù thiếu vắng dự án mới, nhưng Việt Nam lại có thêm 231 lượt dự án cũ đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 2,83 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011. Thực tế này cho thấy niềm tin của giới ĐTNN vào tương lai trung và dài hạn ở Việt Nam, nơi có thể sinh lời cho đồng vốn của họ. Mới đây, các tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí cao trong bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 3 sau Ấn Độ và Thái Lan về sức hấp dẫn và thuận lợi trong kinh doanh đối với nhà ĐTNN.

Chủ động trong thu hút vốn "ngoại"

Các chuyên gia đánh giá cao kết quả giải ngân vốn ĐTNN trong 7 tháng qua, với mức 6,25 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Đây là nỗ lực lớn và đầy bản lĩnh của các nhà ĐTNN trong bối cảnh công ty mẹ và phần lớn các công ty con ở nhiều địa bàn khác nhau trên thế giới đều đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí thu hẹp sản xuất. Trước thực tế đó, sự duy trì mức giải ngân trên là rất đáng ghi nhận, cho thấy quyết tâm lớn của giới đầu tư, nhằm đón lõng sự hồi phục kinh tế ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu trong thời gian tới.

Bộ KH-ĐT đang tập trung rà soát, đánh giá tác động tổng thể hoạt động của ĐTNN đối với đời sống KT-XH tại Việt Nam, từ đó nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường thu hút vốn ĐTNN. Bộ xác định, năm 2012 và những năm tới, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong công tác thu hút dòng vốn ngoại, chuyển mạnh từ chú trọng về số lượng thuần túy sang chất lượng và nhấn mạnh khả năng đóng góp của dự án ĐTNN đối với nhu cầu phát triển của các ngành và địa phương. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên bỏ qua bài học về kết quả thu hút vốn ĐTNN trong năm 2008 khi Việt Nam tiếp nhận khoảng 70 tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký, trong đó gồm một số dự án quy mô lớn, từ hơn 1 tỷ USD đến gần 10 tỷ USD. Tại thời điểm đó, con số này được đánh giá cao, như một thành tích "ngoạn mục" và là đỉnh cao của hơn 20 năm mở cửa thu hút ĐTNN của Việt Nam...

Thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp đồng bộ với các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, nhất là làm tốt công tác thẩm định để đánh giá đúng bản chất, khả năng tài chính của chủ đầu tư cùng mức độ hiện đại về công nghệ trong từng dự án cụ thể. Từ đó, tạo ra "bức tường lửa" để ngăn chặn, không cấp phép cho những dự án chiếm nhiều diện tích đất, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên hoặc năng lượng, công nghệ lạc hậu và ít giá trị gia tăng. Ngược lại, Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, chào đón những dự án có trình độ công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tham gia XK cũng như đủ tầm vóc tạo ra sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cấp địa phương.

Hồng Sơn