Sẽ là cuộc cạnh tranh chất lượng
Xe++ - Ngày đăng : 07:34, 10/08/2012
Cục Viễn thông đã đưa ra mốc thời gian dự kiến triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số di động từ năm 2014, chậm nhất là năm 2016. Với khách hàng, đây là tin vui vì nếu được áp dụng sẽ đem lại sự cạnh tranh sôi động trên thị trường di động vốn đang có dấu hiệu "lắng" đi trong hơn một năm nay. Theo đó, chủ thuê bao được quyền chọn nhà mạng có chất lượng, chăm sóc khách hàng tốt hơn mạng đang dùng và chỉ cần đăng ký (tất nhiên có kèm cam kết) với nhà mạng mới là vẫn được giữ nguyên số di động khi chuyển đổi. Với chính sách này, khách hàng khi chuyển đổi không phải mất chi phí, thời gian, mà vẫn giữ được số liên lạc như cũ.
Chuyển mạng vẫn giữ số có thể sẽ là cơ hội tốt cho các mạng nhỏ. |
Từ thực tế trên thị trường viễn thông hiện nay có thể thấy, sau khi chính sách này được thực thi, các thuê bao trả trước của 3 "đại gia" Viettel, Mobifone, Vinaphone nhiều khả năng sẽ chuyển đổi sang mạng nhỏ (Vietnamobile, Beenline, S-Fone) để được hưởng khuyến mãi thẻ nạp tới 100% giá trị (trong khi 3 mạng lớn chỉ được hưởng 50% giá trị. Ngược lại, thuê bao các mạng nhỏ chưa hài lòng với chất lượng mạng lưới của mình, cũng hoàn toàn có thể đăng ký chuyển đổi sang các mạng lớn. Do vậy, bản thân các nhà mạng phải đẩy mạnh cạnh tranh lẫn nhau để giữ chân khách hàng, như giảm cước, gia tăng tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ… Cũng chính vì vậy, trên các diễn đàn mạng, nhiều bạn đọc đã gửi bình luận ủng hộ chính sách này vì cho rằng nó đem lại nhiều lợi ích, thậm chí có ý kiến còn đề xuất, Bộ TT-TT nên áp dụng sớm hơn vào năm 2013, chứ thời điểm năm 2014 là muộn.
Với các nhà mạng, từ khi vấn đề chuyển mạng giữ nguyên số được cơ quan quản lý nhà nước manh nha tính đến, đại diện 3 nhà cung cấp chiếm thị phần khống chế Viettel, Mobifone, Vinaphone đã có những phát biểu cho rằng, thời điểm và thực tế thị trường viễn thông Việt Nam chưa phù hợp để áp dụng. Điều này cũng là dễ hiểu và không phải không có lý. Nhưng, ở một góc độ khác, do phải cạnh tranh quyết liệt lẫn nhau, các doanh nghiệp (DN) sẽ phải tính toán để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Với cơ quan quản lý, việc áp dụng chính sách này sẽ tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho DN mới khi họ có thể thu hút được các thuê bao từ các nhà mạng cũ. Áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số cũng sẽ góp phần hạn chế việc lãng phí tài nguyên kho số vì khách hàng sẽ bớt mua sim dùng thay thẻ cào…
Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ việc áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số, nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng bản thân mình sẽ không chuyển mạng chỉ để hưởng khuyến mãi. Vì, có một thực tế là trong khi thứ hạng (chủ yếu là chất lượng dịch vụ) giữa nhóm tam đại gia là Viettel, Mobifone, Vinaphone không quá khác biệt, thì khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nhóm DN lớn với các DN nhỏ (có Vietnamobile, Beeline và S-Fone) là cả một sự khác biệt. Cụ thể, cả ba DN lớn phủ sóng toàn quốc, cả biên giới, biển đảo, thì nhóm DN nhỏ chủ yếu ở các TP lớn, khu vực đô thị… Sự khác biệt này khiến cho các mạng nhỏ dù khuyến mãi tặng giá trị thẻ nạp hấp dẫn hơn hẳn mạng lớn thì khách hàng vẫn chỉ dùng hết sim rồi bỏ mà không ở lại với mạng nhỏ.
Như vậy đã rõ, chất lượng dịch vụ mới là khâu then chốt để các nhà mạng cạnh tranh quyết liệt với nhau trong cuộc giữ chân khách hàng. Vậy mạng nhỏ phải làm gì? Chỉ còn cách là phải nâng cao chất lượng dịch vụ, mà để làm được điều này cần phải có nhiều tiền, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, thì việc tìm được nguồn vốn không đơn giản. Và như vậy, ưu thế vẫn thuộc về mạng lớn.
Nhưng dù gì, áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ buộc các DN vào một cuộc phải cạnh tranh, khi đó, khách hàng lại là người hưởng lợi!