Tìm hướng đi cho làng nghề
Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 10/08/2012
Đến nay, TP có 277 LN được công nhận theo tiêu chí, trong đó có 244 LN truyền thống/1.350 làng có nghề với 166.393 hộ sản xuất, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 146 HTX… Các LN đã thu hút 626.557 lao động (chiếm 41,32% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn TP). Những chính sách hỗ trợ công nghiệp nông thôn thời gian qua đã có ảnh hưởng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn, PTCN (Sở Công thương Hà Nội) cho biết, trong 5 năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công của trung ương và địa phương, Hà Nội đã đào tạo nghề, truyền nghề cho 30.000 lao động, phát triển gần 200 LN mới; hỗ trợ gần 60 doanh nghiệp (DN) đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, tập huấn cho trên 10.000 lượt cán bộ quản lý, lãnh đạo các DN, cơ sở sản xuất; tổ chức cho các DN, cơ sở sản xuất LN tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Nhờ đó, nhiều nhóm ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) của TP đã phát triển mạnh lên như: gốm sứ, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, dát vàng bạc… Nhiều LN đã và đang triển khai áp dụng công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại kết hợp công nghệ sản xuất truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, đa số các công đoạn xử lý nguyên liệu đầu vào, chế tác sản phẩm thô ở các LN được làm bằng máy, còn công đoạn cuối làm bằng tay nên sản phẩm vẫn giữ được tính thủ công và nét văn hóa riêng của mỗi LN.
Tuy vậy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều LN Hà Nội đang đứng trước bộn bề khó khăn, nhất là các LN xuất khẩu như mây giang đan, dệt may, sơn mài… do sức mua của thị trường giảm sút mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, lao động thiếu việc làm… Đặc biệt, sự phát triển của LN Hà Nội vẫn còn mang nặng tính tự phát, phân tán, thiếu bền vững, quy mô nhỏ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, nguồn nguyên liệu phụ thuộc từ nơi khác nên càng lao đao. Phó Chủ tịch Hiệp hội TCMN LN Hà Nội Nguyễn Hoàng Lưu nhận định, sự yếu kém của các sản phẩm LN còn ở tình trạng kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm LN còn nghèo nàn, mới chú ý đến tính nghệ thuật, sự độc đáo, truyền thống văn hóa… mà chưa chú ý nhiều đến khả năng ứng dụng và tính thương mại trên thị trường. Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt thông tin, thị trường trong và ngoài nước rất hạn chế, nhiều DN, cơ sở sản xuất LN mất thế chủ động và chịu nhiều thua thiệt trên thương trường.
Trong triển khai xây dựng NTM, phát triển được LN, ngành nghề nông thôn sẽ thúc đẩy trực tiếp đến nhiều tiêu chí như thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất… Thực tế chứng minh, địa phương nào có LN phát triển, nơi đó có lợi thế trong xây dựng NTM. Để tháo gỡ khó khăn cho các LN, theo ông Hoàng Xuân Thủy, trong năm 2012 và các năm tiếp theo, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN sẽ tập trung vào 3 hoạt động chính: cấy nghề cho các làng thuần nông nhằm mục tiêu đến năm 2017, 100% các làng ở Hà Nội có nghề tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất TCMN thiết kế mẫu mã mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, phấn đấu mỗi năm có từ 100 đến 150 mẫu sản phẩm TCMN mới ra đời; hỗ trợ các DN LN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường… Phó Chủ tịch Hiệp hội TCMN LN Hà Nội Nguyễn Hoàng Lưu cũng đề xuất, cần phát động và xây dựng phong trào thiết kế kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, đồng thời mở các lớp thiết kế sáng tác sản phẩm TCMN tại các LN… Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, TP cần quan tâm chỉ đạo và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các LN truyền thống có đủ điều kiện phát triển du lịch, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho các nghệ nhân có khả năng sáng tạo mẫu, các chuyên gia trong lĩnh vực TCMN có uy tín và các nhà tư vấn, thiết kế mẫu có kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, tiến tới hình thành trung tâm nghiên cứu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất… TP nên quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật LN, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, điện, cấp thoát nước… gắn với chương trình xây dựng NTM để tạo điều kiện cho LN phát triển.