Bài 4: Phải bịt “lỗ thủng” trách nhiệm

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:56, 10/08/2012

(HNM) - Hà Nội có tới 1.500 thanh tra xây dựng từ cấp quận, huyện trở xuống. Mặc dù lực lượng đông như vậy, song những vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra hết sức ngang nhiên, trắng trợn, có sự tiếp tay của những cán bộ có chức, có quyền bằng cách làm ngơ, che giấu hoặc hợp thức hóa cho sai phạm?


Cá nhân thiếu trách nhiệm

Trước khi sự kiện tái bùng phát tình trạng vi phạm trật tự xây dựng được thông tin rộng rãi trên báo chí, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã "âm thầm" tiến hành một đợt giám sát về vấn đề này. Từ đầu tháng 3-2012, bắt đầu giám sát qua văn bản, báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các đại biểu HĐND TP đã phát hiện có dấu hiệu tái bùng phát trở lại tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở rồi chuyển nhượng trái phép…


Ngôi nhà số 19 phố Triệu Việt Vương mọc lên ngất ngưởng mà không gặp trở ngại nào. Ảnh: Linh Tâm

Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho biết, ngay sau khi nghe tin có kết quả giám sát của Ban Pháp chế, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đề nghị cung cấp ngay, sau đó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng làm việc với ban để nắm thông tin. Từ đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã đề xuất Thường trực Thành ủy lấy nội dung này làm chủ đề Hội nghị giao ban quý II với các quận, huyện, thị xã nhằm mở đợt "tổng tấn công" vi phạm trật tự xây dựng trên toàn TP.

Mặc dù quyết tâm lập lại trật tự xây dựng đã được thể hiện rất rõ và bằng những hành động cụ thể, tuy nhiên, để biến quyết tâm thành hành động hiệu quả, cần phải thấy rõ đâu là những "lỗ hổng" quan trọng trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay. Kết luận và những phát hiện từ thực tiễn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP đã chỉ ra một số những "lỗ hổng" đáng giật mình, trước hết là những vi phạm về trách nhiệm cá nhân người quản lý.

Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam phân tích, trách nhiệm đầu tiên để xảy ra tình trạng tái bùng phát vi phạm trật tự xây dựng là lực lượng thanh tra xây dựng. Hà Nội có 1.500 công chức là thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, xã, phường, nhưng chưa đến 200 người được cấp thẻ trong 5 năm qua. Điều này cho thấy chất lượng đội ngũ thanh tra xây dựng "có vấn đề". Ông Nam nhấn mạnh: "Hầu hết không được đào tạo cơ bản. Nhiều thanh tra xây dựng được "đôn" sang từ cán bộ trật tự phường, có khi chẳng có bằng cấp gì cả. Hôm nay anh làm bậy, mai mốt phường kiến nghị quận thay, đưa người khác về cũng không khá hơn". Năng lực chuyên môn không tốt, cộng thêm yếu kém về phẩm chất đã khiến lực lượng này không hoàn thành nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm tiếp theo là cán bộ phường, cụ thể là Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách xây dựng "có vấn đề". Sau đó là trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo của thanh tra xây dựng quận, huyện và Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện phụ trách mảng này đã buông lỏng, có nơi còn dung túng cho sai phạm…

Thực tế đã xảy ra những kiểu hợp thức hóa rất lộ liễu, trắng trợn ở các quận, huyện, như có trường hợp xây dựng không phép nhà 3 tầng, 2 tháng sau được cấp phép chính thức. Trường hợp khác được cấp phép 2 tầng, nhưng xây đến 4 tầng. Thanh tra Xây dựng phạt hành chính hôm trước, hôm sau đã cấp phép thành 4 tầng. Về nguyên tắc, trong trường hợp như vậy, chính quyền địa phương phải phá bỏ 2 tầng xây sai phép, khôi phục hiện trạng ban đầu. Thế nhưng, chính quyền lại tiếp tay, hợp thức hóa sai phạm.

Việc cán bộ chính quyền hợp thức hóa sai phạm là rất phổ biến, điển hình nhất là 13 vụ ở quận Ba Đình. Đoàn giám sát của Ban Pháp chế phát hiện có 7 vụ cải tạo sai phép, không phép đã được hợp thức hóa. Sáu vụ còn lại sở dĩ chưa được hợp thức hóa vì còn đang tranh chấp, như bị hàng xóm liền kề tố cáo lấn chiếm đất hoặc bị tố cáo lấn chiếm hè đường, lối đi chung…

"Túm người có tóc"

Trả lời câu hỏi, phải chăng Hà Nội chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, ông Nguyễn Hoài Nam quả quyết rằng: "Trong Nghị định 180/NĐ-CP ngày 7-12-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 20-1-2010 của UBND TP Hà Nội về ban hành quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý việc xây dựng công trình theo giấy phép trên địa bàn TP, đã quy định rất rõ trách nhiệm từ cấp phường, quận, huyện đến thành phố phải làm gì trong cấp phép, xử lý sau cấp phép, quản lý trật tự xây dựng, thanh tra xây dựng…

Thực tế thì không chỉ quy định rõ về trách nhiệm các cấp, các quy định còn chỉ rõ về quy trình xử lý vi phạm. Theo đó, trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện, chính quyền địa phương phải chủ trì xử lý ngay. Nếu người vi phạm cố tình không chấp hành, tiếp tục vi phạm, chính quyền địa phương có thể ra quyết định cử công an phường thực hiện phong tỏa công trình vi phạm. Ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, địa phương đã để xảy ra vi phạm tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu cũng thừa nhận: "Các quy định của TP rất đầy đủ. Nhưng chính quyền, thanh tra xây dựng bỏ qua quy trình, quy phạm nên không phát hiện vi phạm". Quy định rõ ràng, nhưng vi phạm vẫn xảy ra, theo ông Nguyễn Hoài Nam, chỉ có thể do cán bộ chính quyền đã né tránh, dung túng cho sai phạm hoặc có tiêu cực.

Mặc dù quy định trách nhiệm thì rõ ràng, nhưng lại thiếu chế tài xử lý trong trường hợp cán bộ không thực hiện trách nhiệm này. Thực ra thì ai cũng biết, chế tài xử lý trách nhiệm không thiếu, chỉ có điều là đang nằm tản mạn ở các văn bản khác. Thế nên việc xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng rất khó khăn, nhất là khi thanh tra công vụ thiếu chủ động, kém năng nổ, không thường xuyên tiến hành thanh tra, giám sát; xảy ra sự vụ cũng không vào cuộc kịp thời, quyết liệt. Về điều này, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đề nghị, UBND TP nên bổ sung chế tài vào ngay trong Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 20-1-2010, quy định rõ đã giao trách nhiệm là phải thực hiện, nếu không hoàn thành thì phải chịu kỷ luật, tiếp tục tái phạm thì bị buộc thôi việc hoặc cách chức. Nếu là thanh tra xây dựng, không hoàn thành trách nhiệm thì phải bị đuổi việc, tước thẻ thanh tra. Ông nhận định: "Đã là văn bản pháp quy thì phải quy định chặt chẽ mới tạo ra sức mạnh".

Quy định ràng buộc về trách nhiệm đi liền với các chế tài xử phạt là mấu chốt của vấn đề tăng cường quản lý trật tự xây dựng hiện nay. Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ cho lực lượng thanh tra xây dựng cũng cần được quan tâm, vì đây cũng là cách để ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn đối với lực lượng này. Có thêm sự ràng buộc như vậy, cấp có thẩm quyền cũng có điều kiện "túm người có tóc" để quy trách nhiệm.

Trước khi chia tay PV, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh: "Nếu TP đã quyết tâm thiết lập trật tự xây dựng đô thị thì tốt nhất phải cố gắng lập lại trật tự từ cấp phường, xã!".

Nhóm PV điều tra