Hạnh phúc và nỗi buồn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 10/08/2012
Thông tin mới nhất từ một cuộc giao ban chuyên ngành về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vừa diễn ra cách đây hai ngày cho hay, hiện cả nước có khoảng 30 nghìn người bán dâm; hơn 171 nghìn người nghiện, tăng gần 13 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tệ nạn buôn bán người vì mục đích mại dâm và bắt cóc trẻ em diễn ra rất nghiêm trọng. Từ đầu năm tới nay đã phát hiện 226 vụ với 438 nạn nhân bị lừa bán. Tại các tuyến biên giới và bờ biển, Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ và xử lý 133 vụ, giải cứu 177 nạn nhân, trong đó có 16 trẻ em…
Đó mới chỉ là những con số trên báo cáo. Còn thực tế thì sao? Chúng ta đang được hưởng hạnh phúc đến đâu? Có thể nói là nhức nhối và đáng buồn. Chính con người, xã hội chúng ta đang tự phá hủy đi cái hạnh phúc vốn chẳng dễ gây dựng cần gìn giữ ấy. Chúng ta liệu có hạnh phúc được không khi hầu như chẳng ngày nào mở báo ra hoặc lướt qua các trang web mà không bắt gặp những thông tin gây sốc vốn đã được xã hội gắn cho khái niệm "cướp, hiếp, giết", có những vụ việc mà cả người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không đủ khả năng hình dung nổi mức độ tàn bạo, vô luân của những kẻ phạm tội…
Thật khó loại trừ tất cả những cái xấu, những thứ được gọi là tệ nạn ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng khi trong cuộc sống những cái xấu ấy, tệ nạn ấy ngày một nhiều hơn, kinh sợ hơn thì đó là lúc giá trị xã hội đang bị thách thức nghiêm trọng. Thật đáng báo động khi đang tồn tại, đặc biệt trong giới trẻ, những tư tưởng sống hưởng thụ lệch lạc, ăn chơi thác loạn, sử dụng ma túy, đua xe… và một nhóm người coi đó như những thú vui sống thời thượng, thể hiện đẳng cấp. Đây chính là những nguồn cơn làm cho xã hội thêm bấn loạn, tội phạm gia tăng, đe dọa đến tình hình an ninh, trật tự quốc gia, đến cuộc sống lành mạnh của người dân và làm băng hoại đạo đức xã hội.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho quá trình hòa nhập đã làm thay đổi cách nghĩ, lối sống của con người, xã hội, nhưng có lẽ cũng cần nhìn nhận và thừa nhận một phần trách nhiệm ấy là do quản lý. Dường như công tác quản lý đã không theo kịp, hay nói đúng hơn là quản lý đã ỳ trệ hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển của xã hội. Lấy ví dụ của tệ nạn đua xe trái phép ở các thành phố, trong lúc đám trẻ ngày càng hào hứng, manh động, liều lĩnh thì cơ quan quản lý vẫn cứ loay hoay với câu hỏi "phải xử lý như thế nào"? "Nên hay không nên tịch thu phương tiện"? Hay như công tác quản lý thông tin, quản lý việc lưu hành các ấn phẩm đồi trụy, độc hại gần như vẫn bị bỏ trống, những "cướp, hiếp, giết", những "sốc, sex, sến" vẫn tràn ngập mặt báo và mạng intertnet dẫn đến tha hóa thông tin, tạo đất cho sự cổ súy tệ nạn!
Sẽ là bớt đi những nỗi buồn, sẽ là hạnh phúc, khi chúng ta bớt phải đọc những thông tin trẻ em bị xâm hại, không phải giở báo ra là chỉ thấy toàn cướp, giết, hiếp, sex và sốc... Hay nói rộng hơn là, chỉ khi chúng ta có đủ bản lĩnh, đủ phương pháp để quản lý tốt xã hội thì khi đó mới có thể được hưởng trọn hạnh phúc.