Khởi động Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng”
Xã hội - Ngày đăng : 17:01, 09/08/2012
, tận mắt chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của thành phố trẻ tràn ngập sức sống này, người ta mới hiểu vì sao ngày càng có nhiều người bình chọn nơi đây là một trong những địa điểm đáng sống.
Đà Nẵng đẹp không chỉ vì những cảnh quan thiên nhiên do tạo hóa ban tặng với hình sông thế núi, phố xá hướng ra biển khơi mà còn đẹp từ những giá trị thực mà thành phố đã và đang bồi đắp. Đó còn là nét đẹp của những con đường, những dãy phố, hàng cây, những cây cầu vươn qua sông Hàn và những công trình hiện đại đang mọc lên từng ngày...
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam D. Sheer cắt băng khởi công dự án. |
Tuy nhiên, niềm tự hào của Đà Nẵng không thể trọn vẹn khi một bộ phận người dân của thành phố còn bị giày vò trong một nỗi đau mang tên chất độc da cam/dioxin đã kéo dài suốt nửa thế kỷ qua. Đây là hậu quả từ hàng triệu lít chất diệt cỏ do quân đội Mỹ lưu trữ và rải xuống khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971. Theo ước tính, riêng tại sân bay Đà Nẵng, lượng hóa chất được lưu trữ, vận chuyển đã lên đến trên 18 triệu lít. Vì vậy, dù chiến tranh đã lùi xa 47 năm, song sân bay Đà Nẵng hiện vẫn nằm trong danh sách điểm nóng về chất da cam/dioxin ở Việt Nam. Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học trong nước và quốc tế cho thấy nồng độ dioxin tại những “trọng điểm” ở đây cao hơn gấp nhiều lần mức cho phép. Đáng nói là loại hóa chất kịch độc khó phân hủy này đang tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người sống xung quanh sân bay. Không ít những sinh linh vô tội ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời đã lập tức bị truất bỏ quyền được làm người. Cũng có những em bé được tồn tại trên đời nhưng với hình hài biến dạng không thể tự chăm sóc bản thân. Mặc dù, chính quyền Đà Nẵng qua nhiều thời kỳ đều ra các quy định cấm người dân nuôi trồng, uống nước xung quanh khu vực sân bay, song, nguy cơ phát tán chất da cam/dioxin luôn hiện hữu và nỗi kinh hoàng từ loại hóa chất này vẫn là nỗi ám ảnh lớn với người dân thành phố bên sông Hàn.
Nỗ lực hàn gắn vết thương
Hy vọng đã đến với người dân Đà Nẵng khi lễ khởi công dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” do chính phủ 2 nước Việt Nam - Mỹ hợp tác triển khai đã diễn ra ngày 9-8. Theo các chuyên gia từ Cơ quan phát triển Mỹ (USAID), với thiết kế hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường bằng phương pháp khử hấp thu nhiệt - một công nghệ tiên tiến từng được áp dụng ở Mỹ và châu Âu, mức độ tồn lưu chất da cam/dioxin trong đất có thể giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức an toàn cho phép. Đây là công nghệ được chính phủ 2 bên chọn lựa sau khi cân nhắc kỹ lưỡng với 1 số phương pháp khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng hậu quả của chất diệt cỏ do quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Dự án được triển khai thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ, tinh thần trách nhiệm Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc khắc phục hậu hậu quả chất độc da cam/dioxin. Sự thành công của dự án hứa hẹn nhiều triển vọng xử lý triệt để ô nhiễm da cam/dioxin tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và các khu nhiễm tại các điểm nóng khác sau này.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear khẳng định, Việt Nam và Mỹ đang di chuyển đất và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những di sản đau thương của quá khứ. Đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương giữa 2 nước. Nhiều chuyên gia và đối tác cũng tới đây để cùng cam kết mạnh mẽ về sức khoẻ và an toàn như họ đã triển khai với hàng trăm dự án xử lý môi trường thành công khác trên khắp thế giới. Không dừng lại ở đó, vào cuối tháng 9 tới, USAID sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mới về sức khoẻ và khuyết tật nhằm hỗ trợ những người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân, ở Đà Nẵng và những nơi khác; đồng thời phối hợp với Chính phủ Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các nhà tài trợ khác chuẩn bị cho một đợt đánh giá môi trường tại điểm nóng Biên Hoà.
Trên thực tế, để dự án được triển khai đúng tiến độ và hoàn tất vào cuối năm 2015, Ngay từ cuối năm 2011, đơn vị chủ dự án là Lữ đoàn Quân chủng phòng không thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã tiến hành rà phá bom mìn xong toàn bộ khu vực triển khai dự án. Hiện tại, công tác khảo sát, đánh giá bổ sung các thông số môi trường, đa dạng sinh học tại sân bay và tham vấn cộng đồng dân sự thuộc 12 phường tiếp giáp với khu vực triển khai dự án đã được tiến hành. Ngay sau lễ cắt băng khánh thành ngày 9-8, các nhà thầu sẽ bắt tay triển khai ngay các hạng mục lập hàng rào bảo vệ quanh khu vực dự án, đào xúc và vận chuyển đất tới khu vực chuẩn bị cho quá trình xử lý hấp thụ nhiệt.
Dù quá trình thực hiện dự án sẽ gặp nhiều khó khăn như” ngăn ngừa bụi và hơi nhiễm da cam/dioxin phát tán ra môi trường trong quá trình đào xới, di chuyển và đun nóng, đảm bảo an toàn cho các công nhân, chuyên gia trực tiếp thực hiện dự án, thời tiết… nhưng dự án đã thể hiện sự đồng thuận giữa giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực này - một tín hiệu tích cực đúng vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” (10-8). Đúng như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10 năm ngoái: “dioxin trong đất ở đây là một di sản quá khứ đau thương mà chúng ta chia sẻ, nhưng dự án mà chúng ta khởi động ở đây ngày hôm nay, chung tay cùng người dân Việt Nam là một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng xây dựng”.