Ban lãnh đạo SHB mới chưa có sếp Habubank
Kinh tế - Ngày đăng : 13:33, 09/08/2012
Sáng 9/8, SHB đã tổ chức họp báo công bố quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc sáp nhập Ngân Habubank vào SHB. Chủ tịch HĐTQ SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, sau 7 tháng tìm hiểu và 3 tháng triển khai, việc sáp nhập Habubank và SHB đến nay đã hoàn tất.
Việc sáp nhập này nằm trong chiến lược phát triển của SHB. Sau sáp nhập, SHB trở thành định chế tài chính có quy mô vớn lớn với số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản 120.000 tỷ đồng, mạng lớn kinh doanh rộng lớn với 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh SHB tại Campuchia, Lào; gần 5.000 cán bộ công nhân viên.
Tỷ lệ nợ xấu của SHB mới là 8,69%. |
Đây là trường hợp đầu tiên sáp nhập giữa hai ngân hàng, cũng là trường hợp đầu tiên 2 ngân hàng cùng niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện sáp nhập thành công. Thương vụ sáp nhập này đã rút ngắn được thời gian 5 năm và tiết kiệm nhiều chi phí trong chiến lược phát triển của SHB.
Như vậy, từ ngày 28/8, cái tên Habubank sẽ không còn tồn tại trên thị trường ngân hàng, thay vào đó là tên SHB.
Tại buổi họp báo, trước câu hỏi của phóng về bộ máy lãnh đạo và phương thức điều hành của SHB sau sáp nhập, Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên như hiện nay gồm 7 thành viên. “Vì đây là thương vụ Habubank sáp nhập vào SHB chứ không phải là hợp nhất nên HĐQT vẫn được giữ nguyên. Nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng muốn tham gia vào HĐQT SHB mới thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bổ sung.”-Ông Hiển giải thích.
Về nợ xấu, theo ông Hiển, sau khi sáp nhập, nợ xấu của SHB là 8,69%; trong đó, nợ xấu của Habubank là 3.729 tỷ đồng, chiếm hơn 33% tổng dư nợ của Habubank (đã tính nợ xấu của Vinashin trừ 30% chuyển sang trái phiếu). SHB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 13-15%.
Nói về xử lý công ty chứng khoán của hai bên sau khi sáp nhập, ông Hiền cho biết, SHS không phải là công ty con của SHB mà SHB chỉ góp 10% vốn vào SHS, còn Habubank có công ty chứng khoán và nắm 98% cổ phần của công ty này. Phương án xử lý với Công ty chứng khoán HBB là, thời gian đầu, công ty chứng khoán HBB tiếp tục là công ty con của SHB, có tên là SHBS. Sau đó, SHBS sẽ được cổ phần hoá theo lộ trình, trong đó SHB sẽ bán cổ phần của chứng khoán HBB ở một tỷ lệ hợp lý chứ không duy trì tỷ lệ 98% như hiện nay.
Người đứng đầu SHB cũng cho biết, giai đoạn đầu, tại các chi nhánh, điểm giao dịch của Habubank sẽ được đổi tên sang SHB nhưng vẫn giữ biển hiệu. Ước tính, số tiền chỉ dành cho việc đổi tên này “ngốn” khoảng 2,1 tỷ đồng.
Hiện, toàn bộ hệ thống thẻ ATM của Habubank và SHB đã được tích hợp và khách hàng vẫn có thể giao dịch bình thường.