Đối thoại để dựng xây hòa bình

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:02, 09/08/2012

(HNM) -


Từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2013, các sự kiện trong khuôn khổ chương trình sẽ được tổ chức liên tục tại Việt Nam. Chủ tịch IPF có trụ sở tại Vienna (Áo) Uwe Morawetz ngày 7-8-2012, đã tới thăm Báo Hànộimới trao đổi về hợp tác truyền thông cho chương trình. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch IPF về sự kiện này.


Chủ tịch IPF U. Morawetz.Ảnh: Viết Thành

- Thưa ông, lý do nào khiến IPF chọn Việt Nam là nơi tổ chức chương trình “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4?

- Từ năm 2003 đến nay, chương trình đã lần lượt được diễn ra ở Philippines, Malaysia và Campuchia với sự tham gia của 38 người đoạt giải Nobel, 18 diễn giả và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Khoảng 450 sự kiện đã được tổ chức và đạt thành công vang dội, tạo hiệu ứng đặc biệt trong dư luận.

Vì vậy, chúng tôi đã nhận được lời mời của nhiều quốc gia ASEAN khác để tiếp tục “Cầu nối” hướng tới hòa bình và hiểu biết giữa các dân tộc trong khu vực. Đại diện của IPF đã tới Việt Nam năm 2006 lần đầu tiên để tìm hiểu và sau đó, chúng tôi quyết định chọn Việt Nam là nơi diễn ra chuỗi sự kiện lần thứ 4. IPF cũng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía chính phủ và các cơ quan hữu trách của Việt Nam để chuẩn bị cho chương trình trong suốt hai năm qua. Chúng tôi tin tưởng vào thành công của chương trình lần này, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận lời mời là Chủ tịch Danh dự của chương trình “Cầu nối” tại Việt Nam.

- So với những chương trình đã được tổ chức ở một số quốc gia ASEAN, “Cầu nối” tại Việt Nam có sự khác biệt nào không, thưa ông?

- Về cơ bản thì những chương trình “Cầu nối” đều có nội dung và cách thức thực hiện tương tự. Tất cả đều phù hợp với mục tiêu của IPF là tăng cường đối thoại và liên kết giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng trong khu vực Đông Nam Á với các nước trên thế giới nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong từng sự kiện cụ thể, chúng tôi sẽ đề cập đến những vấn đề khác nhau và chọn những diễn giả thích hợp để tạo nên hiệu quả cao nhất. Tại Việt Nam, với sự hợp tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 50 sự kiện của chương trình “Cầu nối” sẽ tạo thành chuỗi hội thảo liên tục chứ không phải một sự kiện đơn lẻ khiến tôi tin là sẽ thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận. Sáu diễn giả là những người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực kinh tế, hòa bình, vật lý, hóa học và y học cùng các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ lần lượt đến Việt Nam để tham gia các cuộc hội thảo, nói chuyện, giao lưu ở nhiều địa phương, nhiều trường đại học. Đây là những sự kiện mở và chúng tôi chào đón không chỉ sinh viên mà với tất cả các bạn quan tâm tham dự. Tôi cho rằng, đây thực sự là cơ hội tốt để các bạn Việt Nam trao đổi với các học giả quốc tế để qua đó thúc đẩy sự hiểu biết hơn nữa về đất nước và con người Việt Nam.

- Ông có thể cho biết thông điệp lớn nhất của IPF qua chương trình “Cầu nối” tại Việt Nam?

- Xây dựng văn hóa hướng tới hòa bình và sự phát triển trong một thế giới toàn cầu hóa. IPF cho rằng đối thoại trên nền tảng của sự thiện chí và mong muốn hiểu biết lẫn nhau sẽ là cơ sở quan trọng để dựng xây và củng cố hòa bình. Qua chia sẻ cách nhìn về những lĩnh vực khác nhau để đạt được tiếng nói chung, các dân tộc trên thế giới sẽ thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn. Do vậy, chúng tôi đề cao tính tương tác trong các hoạt động của chương trình “Cầu nối” tại Việt Nam. Theo đó, các diễn giả không chỉ đến đây để diễn thuyết mà còn để lắng nghe ý kiến từ những người tham dự. Đó cũng là cơ sở để thiết lập mối quan hệ lâu dài về giáo dục và khoa học trong tương lai, chìa khóa giúp tăng cường sự hợp tác vì hòa bình, tự do, an ninh và thịnh vượng.

- Xin cảm ơn ông!

Vân Khanh