Khu tập thể cũ: Những di sản “đáng chú ý”

Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 09/08/2012

(HNM) - Các khu tập thể cũ tại Hà Nội đã được đề xuất công nhận là những công trình kiến trúc di sản của giai đoạn 1954-1986. Một số công trình tiêu biểu sẽ được chọn, tu bổ và phục hồi để gìn giữ trước khi các khu tập thể cũ được phá đi xây dựng lại.

Một góc khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Ảnh: Khánh Nguyên

Với phương pháp điều tra là phát phiếu cho 4 nhóm đối tượng gồm chuyên gia - kiến trúc sư, cơ quan quản lý, sinh viên chuyên ngành kiến trúc và người dân, trên cơ sở các tiêu chí giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch cảnh quan, tính nguyên bản, công năng sử dụng và tính đại diện cho nhóm công trình, nhiều khu tập thể cũ như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Văn Chương (giai đoạn 1954-1965), Trương Định, Trung Tự, Giảng Võ (1965-1986) được đề xuất là công trình di sản "đáng chú ý", chỉ xếp sau những công trình nhóm "đặc biệt".

Theo nhóm tác giả đề tài (gồm nhiều chuyên gia có uy tín của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc), ở giai đoạn 1954-1965, nếu khu tập thể Hàm Tử Quan có đặc điểm là làm bằng gỗ, thứ vật liệu dễ tìm thời đó, với khu phụ, bể nước, chậu rửa, bàn giặt bằng gạch xây, niên hạn sử dụng tạm thời thì khu tập thể Kim Liên là khu nhà ở đầu tiên được bố trí theo hình thức tiểu khu, có nhóm nhà, có hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, sân vận động, cửa hàng bách hóa. Nhà được xây cao tầng, bố cục chạy dài và song song. Sau đó tập thể Nguyễn Công Trứ cũng được xây dựng hoàn chỉnh theo hình mẫu này, có trường mẫu giáo, nhà trẻ, có cửa hàng bách hóa với mặt chính quay ra đường Nguyễn Công Trứ, mặt quay vào trong là nhà ăn, cửa hàng giải khát. Giữa các khối nhà có cây xanh, sân chơi cùng hạ tầng hoàn chỉnh. Khu Văn Chương được thiết kế bởi những nhóm nhà 2 tầng mái ngói, khu phụ tập trung; kết hợp nhà 5 tầng bố trí theo tuyến đường bao bên ngoài, dưới có cửa hàng. Trong khu cũng có đủ trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

Đến giai đoạn 1965-1986, Hà Nội bắt đầu phát triển các kiểu nhà lắp ghép đơn giản. Mẫu nhà ở 2 tầng lắp ghép tấm lớn độn vật liệu xỉ, xây dựng thí điểm năm 1971-1972 tại Trương Định, Yên Lãng. Sau đó các mẫu nhà lắp ghép tấm lớn 5 tầng có nhiều ưu điểm hơn, được triển khai hàng loạt tại Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ… Công trình có kiến trúc tốt hơn cả trong thời điểm này (năm 1967) là khu nhà ở Ngoại giao đoàn Vạn Phúc của các KTS Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Oanh được xếp vào nhóm nhà ở có giá trị "đặc biệt".

Điểm đáng chú ý là kiến trúc nhà ở đã phản ánh rất sát điều kiện kinh tế xã hội mỗi thời kỳ. Ban đầu từ mô hình 2 nhà chung một khu phụ, thiết kế nhà ở xây xong phải dễ phân phối, trước mắt và lâu dài đều phù hợp, vật liệu xây dựng phải tiết kiệm (cửa không có khuôn)… Sau này, diện tích ở bình quân tăng 4-6m2/người, cùng với đó là tăng diện tích phụ, rồi chuyển đổi từ dùng chung sang ngăn chia, khép kín… Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, trước đây đã có nhiều nghiên cứu về kiến trúc truyền thống hay kiến trúc Pháp, kiến trúc hiện đại nhưng thiếu hẳn nghiên cứu về kiến trúc giai đoạn 1954-1986 là giai đoạn phát triển từ đô thị tiêu dùng, đô thị thuộc địa sang đô thị XHCN; là thời kỳ Nhà nước bao cấp xây dựng, cũng là thời kỳ có nhiều công trình do các nước XHCN giúp đỡ thiết kế cùng với đội ngũ kiến trúc sư trong nước đã tạo được dấu ấn đặc thù cho nền kiến trúc Việt Nam. Thậm chí, nhiều công trình còn vượt khỏi giá trị về mặt vật chất, khẳng định giá trị tinh thần là ước mơ, là sự phấn đấu, là niềm kiêu hãnh của một thế hệ. Ngày nay, cùng với thời gian, các công trình này đang đứng trước sự lựa chọn và thách thức là được cải tạo, hoàn thiện hoặc phá bỏ xây dựng mới. Việc lựa chọn giải pháp thường chủ yếu dựa trên yếu tố quy mô, sự xuống cấp, độ nguy hiểm, còn những yếu tố giá trị phi vật thể, giá trị văn hóa dường như không được xem xét. Do vậy, cần nhanh chóng có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc đối với những công trình tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển của đất nước.

Khánh Khoa