Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:28, 09/08/2012
- Viện Nghiên cứu Hán Nôm là nơi lưu trữ, nghiên cứu, phân loại các tác phẩm, tư liệu, thư tịch Hán Nôm cấp quốc gia của Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu, các tài liệu, thư tịch Hán Nôm đã phản ánh việc xác định chủ quyền, sự cai quản, khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ các triều đại phong kiến Việt Nam như thế nào?
- Biển đảo của Việt Nam có vai trò, vị trí hết sức quan trọng và đã được ghi chép trên nhiều tài liệu lịch sử. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm 1161 (tháng 11 năm Đại Định thứ 22 - 1161) vua Lý Anh Tông sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm Phó tướng, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam để giữ yên miền biên giới. Cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) đời vua Lý Anh Tông, mùa xuân tháng 2, nhà vua lại đi tuần hải đảo ở địa giới các bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật mang về. Thư tịch Hán Nôm viết về biển đảo Việt Nam nói chung, về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng đều khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Mảng thư tịch Hán Nôm viết về lập trường của Nhà nước phong kiến Việt Nam xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông được sao chép trong rất nhiều tài liệu. Trong đó có các loại: Bản đồ (trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Toản tập An Nam lộ, Đại Nam toàn đồ…); thư tịch về lịch sử, địa chí, hội điển (Đại Việt sử ký tục biên, Phủ biên tạp lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Việt sử cương giám khảo lược…); các tập công văn, chiếu, tấu, biểu, sớ (trong đó có Châu bản triều Nguyễn); các tập thơ, văn, tạp văn... (như Mân hành thi thoại tập, Đông hành thi thuyết…). Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã sưu tập được hàng trăm đơn vị tài liệu Hán Nôm ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện nhất quán lập trường quan điểm của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã từng quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những căn cứ pháp lý rất quan trọng xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Người dân xem bản đồ cổ Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
- Viện trưởng có thể chia sẻ một số thành công mới trong phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu thư tịch, tài liệu Hán Nôm gần đây?
- Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu đã khai thác mảng tư liệu Hán Nôm về bản đồ và lịch sử, địa chí, hội điển... để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Bên cạnh đó, còn những mảng tư liệu khác rất cần được tiếp tục quan tâm, sưu tầm, nghiên cứu.
Hoàng Sa và Trường Sa được ghi chép trong các tập công văn, chiếu, tấu, biểu, sớ. Trong các văn bản đó, Châu bản là các tập văn bản được vua ngự phê, có ghi bút tích bằng mực son. Hiện ở Trung tâm Lưu giữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang quản lý 734 tập của các thời vua triều Nguyễn, mỗi tập có tới vài trăm văn bản. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện quản lý 64 cuộn microfilm Châu bản triều Nguyễn do Thư viện Viện Harvard - Yenching Hoa Kỳ trao tặng. Châu bản là những tài liệu lịch sử còn giữ được nguyên bản và độc bản, mang đậm nét dấu ấn của một thời đại; là nguồn tư liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa, pháp luật, kinh tế… trong đời sống xã hội đương thời và nhất là tính pháp lý của các loại tư liệu này.
Có khoảng vài chục văn bản Châu bản triều Nguyễn đã khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và do Nhà nước phong kiến Việt Nam quản lý. Các vua triều Nguyễn đã sai người đi thăm dò, khảo sát, vẽ bản đồ cắm mốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ví dụ, trong một bản tấu của Bộ Công năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) ghi rõ: Vua chuẩn y sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền, mỗi thuyền mang theo 10 cọc gỗ viết to, khắc sâu dòng chữ ghi rõ vào năm Minh Mệnh thứ 17 đến Hoàng Sa để cắm mốc, đánh dấu chủ quyền. Hay trong văn bản thuộc năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do Bộ Công tâu trình trong một đợt đi khảo sát năm 1838, đoàn khảo sát đã đến được 25 đảo thuộc vùng thứ 3 và đã vẽ được 4 bản đồ mang về dâng trình.
Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được ghi chép trong các tập thơ văn, tạp văn. Đây là tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn ghi chép một cách trung thực hiện trạng lịch sử địa lý lúc bấy giờ. Trong tác phẩm Mân hành thi tập của Lý Văn Phức, phần Đông hành thi thuyết trong tập thơ có bài dẫn về Vạn lý Trường Sa. Tác phẩm Khải đồng thuyết ước do Phạm Vọng (tức Phạm Phục Trai) soạn thảo và Ngô Thế Vinh nhuận sắc, là sách giáo khoa dạy trẻ em các kiến thức về xã hội. Trong sách có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
- Vậy theo Viện trưởng, làm thế nào để những thư tịch, tư liệu, tác phẩm ghi chép, chứng minh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam được quy tụ, giới thiệu, phổ biến để người Việt Nam cũng như bạn bè thế giới hiểu đúng về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ủng hộ chúng ta bảo vệ quyền lợi chính đáng?
- Tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những tài liệu rất có giá trị, góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Để có được một sưu tập tư liệu Hán Nôm hoàn chỉnh về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng tôi đề nghị:
Tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện chưa được sưu tầm, nghiên cứu, khai thác đầy đủ. Nhiều tư liệu hiện ở các thư viện, trong các dòng tộc, gia đình trong nước và nước ngoài, nên cần có kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu tổng thể về các tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, về Biển Đông nói chung ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, rất cần có kế hoạch quản lý các tư liệu này theo một chế độ tài liệu đặc biệt, để bảo đảm bản quyền văn bản; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuận tiện cho việc truy cập và nghiên cứu khai thác tư liệu; từng bước công bố các tài liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
- Xin cảm ơn Viện trưởng!