Ngân hàng chính sách xã hội: Hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 07:31, 08/08/2012

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 852/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định chính sách tín dụng xã hội là một giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo cơ bản và bền vững. Đây được coi là động lực để Ngân hàng Chính sách xã hội đưa đồng vốn ưu đãi của Chính phủ kịp thời đến với các đối tượng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều hộ dân ở Ba Vì đã thoát nghèo nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH Hà Nội. Ảnh: Sơn Tùng


Chiến lược phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã khẳng định, trong thời gian tới toàn ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực hoạt động để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng của Nhà nước. Vì vậy các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến tín dụng cho các đối tượng chính sách xã hội được NHCSXH ban hành thống nhất và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện. Để góp phần thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… hiệu quả, NHCSXH đã đặt ra các mục tiêu cụ thể: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đạt 111.328 tỷ đồng, tăng 5.838 tỷ đồng (bằng 5,5% so với thời điểm cuối năm 2011). Với 6,9 triệu lượt khách hàng được vay vốn, tổng dư nợ đạt 107.762 tỷ đồng, NHCSXH đã cung cấp vốn kịp thời cho các đối tượng chính sách xã hội, đặc biệt là chương trình cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở... Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Bùi Quang Vinh nhận định: Việc Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển của NHCSXH một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu của hệ thống NHCSXH trong việc bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đến nay cơ bản các hộ nghèo của TP Hà Nội đủ điều kiện đã được vay vốn. Thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, hằng năm NHCSXH TP đã góp phần giải quyết việc làm cho 30.000-35.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn vị đạt 30-40%. Nợ quá hạn trước đây nhận bàn giao từ Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc, Ngân hàng Công thương lên tới trên 7% thì đến nay chỉ còn 0,5%. Hiện có tới 85% dư nợ của NHCSXH cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể. Các đối tượng hưởng thụ đều do chính quyền các xã bình xét công khai từ cơ sở nên đồng vốn đã đến đúng đối tượng. Để người nghèo tiếp cận vốn dễ dàng, NHCSXH TP đã thành lập điểm giao dịch tại các xã để quản lý nguồn vốn vay hiệu quả. Hiện toàn TP đã có 559 điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn. Hiện nay, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, ngân sách của TP Hà Nội và các quận, huyện cùng các tổ chức, đoàn thể đã hỗ trợ các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay vốn tới 825 tỷ đồng trong khi nguồn vốn này của cả nước chỉ khoảng trên 1.700 tỷ đồng. Đây không chỉ là sự quan tâm của TP mà còn khẳng định vai trò, vị trí then chốt của NHCSXH TP trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô.

Để thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu các chi nhánh trong thời gian tới tập trung triển khai 10 chương trình cho vay đối với các đối tượng chính sách và hộ nghèo như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý, chấn chỉnh ngay những sai phạm trong quá trình hoạt động; giám sát chặt chẽ việc giao dịch tại cơ sở; củng cố nâng cao chất lượng tín dụng; rà soát, đánh giá để phân loại các khoản vay. Đồng thời chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về cho vay hộ cận nghèo để hoạt động của NHCSXH thực sự là "phao cứu sinh", giúp các đối tượng chính sách vượt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bạch Thanh