Bài 2: Nhà không phép “gặm” dần đất lúa!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 08/08/2012

(HNM) - Chưa bao giờ tỷ lệ đất nông nghiệp bị lấn chiếm hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng lại diễn ra ồ ạt tại Hà Nội như thời gian gần đây. Theo thống kê mới nhất, tính từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng...


Dựng thôn mới trên đất trồng màu

Cách trụ sở UBND huyện Quốc Oai chưa đầy 2km, xã Phượng Cách nằm dọc tuyến đường gom của Đại lộ Thăng Long. Nhìn bên ngoài, Phượng Cách dường như vẫn giữ được vẻ thuần chất của một làng quê Bắc bộ, với con mương nội đồng và những thửa ruộng lúp xúp nước, thấp thoáng vài ngôi mộ... Nhưng khó có thể hình dung đây là xã dẫn đầu "danh sách đen" vi phạm xây nhà trên đất nông nghiệp. Trong 1.104 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố, Quốc Oai chiếm tới 382 vụ. Thời gian qua, huyện đã tổ chức cưỡng chế thành công 217 vụ, nhưng trong số 160 vụ tồn đọng thì có tới 112 vụ nằm trên địa bàn xã Phượng Cách. Dẫn chúng tôi men theo con đường bê tông chạy giữa cánh đồng dẫn vào UBND xã, Phó Chánh Thanh tra Xây dựng huyện Đặng Hồng Quân không giấu giếm: "Vi phạm trật tự xây dựng tại Phượng Cách lại nằm trọn trong khu vực do xã quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại vùng đất bãi ven sông Đáy"... Quả đúng như lời, từ triền đê rẽ xuống con đường bê tông nhỏ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lần lượt những công trình xây dựng hoành tráng bất ngờ hiện ra giữa những vạt ngô, ruộng hoa màu xanh ngút ngát. Cứ cách vài chục mét lại xuất hiện một căn nhà cấp 4 rộng cả trăm mét vuông, mái lợp phi rô xi măng. Không ít hộ còn "chủ động" xây hẳn nhà cao tầng, có tường rào bao quanh.


Nhà “mọc” trên đất nông nghiệp ở xã Phượng Cách (Quốc Oai).


Đứng từ xa nhìn lại, con đường bê tông và những hàng cột điện chạy dài cộng với sự tồn tại của hàng trăm ngôi nhà cao, thấp khiến cả vùng đất trồng màu này đã biến thành một làng định cư đúng nghĩa... Ông Nguyễn Đắc Hải, Chủ tịch UBND xã thẳng thắn thừa nhận: Trên thực tế, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở Phượng Cách đã tồn tại ngay từ năm 2000, ban đầu chỉ lác đác vài gian nhà cấp 4 tạm bợ, diện tích nhỏ. Thấy việc xây nhà trên đất lúa quá dễ dàng lại không bị chính quyền xử lý, người dân rỉ tai nhau tiếp tục lấn đất nông nghiệp. Năm 2006, khi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt dự án 26ha chăn nuôi tập trung và trồng cây lâu năm và dự án 5,56ha chương trình rau sạch và trồng nhãn muộn Đại Thành cũng là lúc những vi phạm ngày một nhiều thêm. Tính đến nay, đã có tới 112 trường hợp xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp. Ông Hải cho biết: Xã đã thực hiện đầy đủ quy trình, thậm chí thành lập ban chỉ đạo xử lý những tồn đọng trong vi phạm đất đai tại địa phương. Tuy nhiên, những nỗ lực trên cũng chỉ như "muối bỏ bể", bởi chính ông Hải cũng thừa nhận, trong số 112 công trình xây dựng trái phép tại địa phương, chưa có công trình nào người dân tự ý tháo dỡ. Cái khó ở chỗ, những nhiệm kỳ trước, các trường hợp vi phạm đều chỉ bị xử lý kiểu… phạt cho tồn tại, vì vậy bây giờ nếu xử lý thì phải xử lý tất.

Đua nhau lấn đất nông nghiệp


Lý giải về sự dẫn đầu "bất đắc dĩ" của Quốc Oai, ông Hoàng Đăng Thiều, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, sở dĩ Quốc Oai có số vụ vi phạm tăng vọt so với các quận, huyện khác cũng một phần do huyện đã quá "thật thà" khi lập danh sách các trường hợp vi phạm. "Chúng tôi nhận thấy đã đến lúc phải công khai các trường hợp vi phạm, lấn chiếm đất nông nghiệp để thành phố có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Còn nếu nói Quốc Oai dẫn đầu về số vụ vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp thì oan quá. Bởi lâu nay tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp đã trở thành "chuyện thường ngày" ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố".

Nhận định của ông Thiều không phải không có cơ sở. Lướt qua bảng danh sách các quận, huyện có số vụ vi phạm trật tự xây dựng, có thể thấy đứng sau Quốc Oai là huyện Sóc Sơn với 296 vụ, Từ Liêm 170 vụ, Thanh Trì 136 vụ, Hoài Đức 92 vụ, Phú Xuyên 77 vụ, Mê Linh 66 vụ… Dạo quanh các xã Sơn Đông, Cổ Đông… thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây mới tận mắt chứng kiến nạn "xẻ thịt" các cánh đồng lúa đã và đang diễn ra một cách công khai, ồ ạt. Nhiều hộ tự ý đổ đất san ruộng, xây tường bao, thậm chí còn "mạnh dạn" xây cả nhà kiên cố 2-3 tầng. Đáng nói là dân bản địa chiếm đất nông nghiệp đã đành, ngay cả người ở các huyện Phúc Thọ và một số quận nội thành cũng tràn về Sơn Đông, Cổ Đông để chiếm dụng, san lấp, chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép. Điều khó hiểu là ở chỗ, đa số những vụ vi phạm được thanh tra xây dựng phát hiện từ khá sớm, nhưng số lượng nhà kiên cố, nhà cao tầng "mọc" trên đất ruộng vẫn nhan nhản. Có trường hợp, liên tiếp trong 2 năm chính quyền xã lập biên bản, xử phạt hành chính tới 4 lần nhưng công trình vẫn được hoàn thiện. Điều này giải thích vì sao trong năm 2011, chỉ tính riêng xã Sơn Đông đã có 135 trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính, nhưng rốt cục chỉ có chưa đầy 1/3 số hộ bị xử lý. Phải chăng người dân ở Sơn Đông, Cổ Đông quá "kiên quyết" chiếm đất nông nghiệp hay do chính quyền còn nể nang trong xử lý vi phạm?

Theo một cán bộ Thanh tra xây dựng thị xã Sơn Tây: Nếu vi phạm được thanh tra xây dựng địa bàn phát hiện ngay từ khi người dân đặt viên gạch đầu tiên và chính quyền xã quyết liệt trong xử lý thì mọi việc sẽ vô cùng đơn giản. Nhưng nhiều trường hợp, chính quyền chỉ lập biên bản xong rồi để đấy, thậm chí bao che, tiếp tay cho vi phạm để khi "sự đã rồi" mới lập hồ sơ, chuyển vụ việc lên UBND huyện giải quyết. Khi đó, chính quyền huyện thực sự lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan…".

Tuy không có quy mô vi phạm lớn, song với một huyện có vị trí "đắc địa" như Từ Liêm, việc lấn chiếm đất nông nghiệp để kinh doanh, buôn bán cũng diễn ra công khai tại các xã Mễ Trì, Phú Diễn, Mỹ Đình, Ngọc Trục, Đại Mỗ… Thời kỳ cao điểm, đất nông nghiệp, đất xen kẹt trên địa bàn Từ Liêm có giá tới 30-40 triệu đồng/m2. Chính quyền địa phương đã vận động nhiều trường hợp vi phạm tự dỡ bỏ hoặc tổ chức cưỡng chế thành công, nhưng chỉ sau thời gian ngắn chủ đầu tư lại tái phạm. Theo ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó Chánh Thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm, cái khó là nhiều nơi trình độ dân trí còn thấp, quan niệm đất cha ông để lại cứ xây, không cần xin phép, cũng chẳng cần biết đó là đất ruộng hay đất thổ cư. Bằng những biện pháp tăng cường phát hiện vi phạm trật tự xây dựng ngay từ cơ sở, tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân, quyết liệt trong xử lý vi phạm, đến nay Từ Liêm đã xử lý dứt điểm 161 vụ trong tổng số 170 vụ vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất nông nghiệp. "Từ việc xử lý các vụ vi phạm trật tự xây dựng, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học quý để áp dụng trong thời gian tới nhằm chấn chỉnh lại công tác quản lý đất đai trên địa bàn…" - ông Mạnh chia sẻ.

Rõ ràng, từ thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp ở Hà Nội có thể nhận thấy, tuy quy mô, mức độ và cách thức vi phạm ở mỗi địa phương là khác nhau, xong tựu chung mọi vi phạm đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, coi thường kỷ cương, pháp luật của người dân và sự buông lỏng trong quản lý đất đai của chính quyền các cấp. Nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục thì sẽ còn hàng chục, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu mét vuông đất nông nghiệp, đất công tiếp tục bị biến thành đất ở.

Nhóm PV Điều tra