Mang họa vì chữa hóc xương cá bằng mẹo

Xã hội - Ngày đăng : 09:59, 07/08/2012

Ăn cơm với cá rô rán, bà Hà, 60 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội không may bị hóc xương. Dùng mọi cách chữa mẹo mà vẫn không có tác dụng, bà Hà đã thử nuốt cả bẹ chuối non, khiến miếng xương càng chọc sâu hơn.


Tai nạn xảy ra vào sáng ngày 5/8. Khi đó, bà Hà thấy vướng ở cổ, nghĩ mình bị hóc xương cá nên đã uống liền 3 cốc nước để đẩy trôi nó xuống dạ dày. Sau đó, bà lại tiếp tục ăn một quả na, chỉ bỏ hạt chứ không nhai, nhưng vẫn không có tác dụng. Đến lúc này, gia đình mới đưa bà đến một phòng khám đa khoa tư nhân gần nhà, nhưng bác sĩ tại đây cũng lắc đầu bó tay.

Về đến nhà, nghe hàng xóm mách, bà lại thử lấy cái mâm xoay 3 vòng quanh bát nước rồi uống hết nước, sau đó lại nhai bẹ chuối non, dưa vàng với hy vọng chiếc xương theo đó mà trôi xuống.

Việc dùng những cách dân gian chữa hóc khiến chiếc xương cá càng cắm sâu hơn,
gây tổn thương thực quản của bệnh nhân. Ảnh: P.T.


Tuy nhiên, bệnh không khỏi mà bà còn thấy đau nhức dữ dội ở vùng cổ họng, hai bên mang tai và đau đầu. Đến lúc này, gia đình đành đưa bà vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Tại khoa Thăm dò chức năng, kết quả chụp ảnh thực quản cho thấy, tại đoạn 1/3 trên có mảnh xương cá dẹt, to mắc kẹt gây tổn thương thực quản, chảy máu. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy dị vật.

Theo các bác sĩ, những trường hợp hóc dị vật như trên không hiếm gặp. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người không đi đến bệnh viện mà dùng mẹo để chữa.

Tất cả các mẹo để chữa hóc, sặc như dùng đũa cả hay ăn nắm cơm thật to đều chỉ là ăn may. Nhiều người khi bị hóc xương thì nuốt nắm cơm to với hy vọng xương dính vào nắm cơm và trôi xuống dưới, nhưng nếu không cẩn thận nó rơi xuống động mạch thì còn nguy hơn.

Vì thế, khi bị hóc hay sặc người dân cần đi khám bác sĩ, tránh biến chứng nặng.

Theo VNE