DA đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Nguy cơ “vỡ” tiến độ vì thiếu mặt bằng
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 07/08/2012
Thi công ngưng trệ
Theo thiết kế, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, là tuyến đường sắt đôi, khổ 1,435m. Tuyến chủ yếu đi trên cao với 12 nhà ga, tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/h, thời gian chạy từ ga đầu đến ga cuối là 23,63 phút. Tàu có thể vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương với khoảng 1 triệu người/ngày. Hướng tuyến chạy từ ngã tư Cát Linh - Giảng Võ dọc theo Hào Nam, Hoàng Cầu, đi qua hồ Đống Đa, ngõ Thái Thịnh I, tới đường Láng rồi rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng mức đầu tư 533 triệu USD (tương đương 8.770 tỷ đồng). Dự án sau khi hoàn thành sẽ cùng với xe buýt đóng vai trò nòng cốt trong vận tải hành khách công cộng, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông tại Thủ đô.
Tiến độ hoàn thành dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm do vướng mắc ở khâu GPMB. Ảnh: Linh Tâm |
Đã gần 1 năm kể từ ngày khởi công nhưng đến nay, tiến độ dự án vẫn rất chậm. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngoại trừ các trụ bê tông được dựng lên từ lâu, phần lớn công trường đang ngổn ngang. Điểm đầu tuyến ở ngã tư Cát Linh - Giảng Võ hiện vẫn chỉ là đất trống. Một số khu vực trên phố Hào Nam, Hoàng Cầu (khu vực sẽ đổ các trụ bê tông) được quây làm bãi trông giữ ô tô. Dọc đường Quang Trung và ngã ba Ba La (quận Hà Đông), nhiều đoạn hàng rào tôn che chắn công trình được dựng lên nhưng hầu như vắng bóng công nhân, thậm chí thường gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm…
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư, cho biết: Đến nay, chủ đầu tư và các nhà thầu đã hoàn thành 90% công tác khảo sát địa chất; đang chờ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ chỉ giới đường đỏ chính tuyến, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc 11 nhà ga (trừ ga Cát Linh dự kiến được xây dựng thành tổ hợp văn phòng kết hợp nhà ga). Các nhà thầu đã hoàn thành 42 trụ cầu và đang thi công 31 trụ trên các đoạn tuyến Hào Nam - Hoàng Cầu, La Khê - Ba La và khu vực giáp Vành đai 3; bắt đầu thi công cầu sông Nhuệ và 29 trụ cầu đoạn cầu Mới - Vành đai 3… Khối lượng thực hiện ước đạt 682 tỷ đồng, bằng 8% khối lượng dự án. Kinh phí đã giải ngân đạt 1.248 tỷ đồng, bằng 15% giá trị dự án, trong đó vốn ODA 884 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 266 tỷ đồng và vốn ngân sách 98 tỷ đồng.
Muốn làm nhanh nhưng vướng mặt bằng
Về việc thi công ngưng trệ dẫn tới tiến độ có nguy cơ bị vỡ, ông Trần Văn Lục giải thích: Có nhiều lý do nhưng cơ bản nhất vẫn là ách tắc trong công tác GPMB. Hiện tại, công tác GPMB đường dẫn vào các depot (trạm, nhà ga, khu bảo dưỡng, trung tâm điều hành…) đều bị chậm. Theo kế hoạch, đường dẫn vào depot Hà Đông phải hoàn thành GPMB trong tháng 6-2012, nhưng đến nay 6,8 trong tổng số 23ha diện tích khu depot vẫn chưa xong. Chủ đầu tư đề nghị UBND quận Hà Đông hoàn thành GPMB phần 6,8ha này trong tháng 8-2012. Riêng việc di dời nghĩa trang thôn Vân Nội (quận Hà Đông) cố gắng hoàn thành trong tháng 11-2012. Bên cạnh đó, việc GPMB qua các khu dân cư thuộc hai quận Đống Đa và Thanh Xuân cũng gặp không ít khó khăn. Theo tính toán của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, dự kiến đến hết năm 2012, công tác GPMB qua địa bàn 2 quận này chỉ đạt khoảng 30%. Ngoài ra, đoạn ngõ Thái Thịnh I (quận Đống Đa) do chưa có phê duyệt nhà ga chính thức nên cơ quan chức năng chưa thể GPMB và cũng chưa thống kê được cụ thể có bao nhiêu hộ dân phải di dời.
Song song với mong muốn các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB, Ban QLDA đề nghị TP Hà Nội chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư để di dân. Sở GTVT sớm có phương án phân luồng giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung - quốc lộ 6 để ngay từ tháng 8-2012, các nhà thầu có thể mở đồng thời nhiều mũi thi công trên tuyến… Ông Trần Văn Lục khẳng định: Nếu các điều kiện về GPMB, cấp phép thi công cũng như việc thỏa thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng bảo đảm theo tiến độ, dự kiến công tác xây lắp và cung cấp thiết bị có thể hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào đầu năm 2015 và đưa dự án vào khai thác sử dụng trong quý II-2015.
Theo UBND quận Hà Đông, quận đang huy động tối đa lực lượng tập trung GPMB phần đường dẫn vào depot trên địa bàn. Nguyện vọng của đại đa số hộ dân có đất bị thu hồi là được hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ để ổn định cuộc sống. Quận đã báo cáo UBND TP xây dựng, ban hành đề án, xét đối tượng giao đất. Việc di dời nghĩa trang thôn Vân Nội cũng rất khó khăn bởi theo tập tục, việc bốc mộ, chuyển mộ thường diễn ra vào cuối năm nên phải đợi tới tháng 11 mới có thể di dời được. |