Một cuộc chiến lớn cận kề
Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 07/08/2012
Thủ đô Damascus đã thành đống đổ nát vì xung đột leo thang, lan rộng.
Nghị quyết không mang tính ràng buộc này, do Saudi Arabia soạn thảo, bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình trạng bạo lực leo thang ở Syria, lên án nhà chức trách "sử dụng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng cũng như tiếp tục xâm phạm các quyền tự do cơ bản một cách tràn lan, trắng trợn và có hệ thống"...
Trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu, một nhà ngoại giao Arab đã không úp mở rằng mục đích của dự thảo nghị quyết là tăng sức ép với chính quyền Damascus và để tránh gây tranh cãi, các nước phương Tây đã bỏ yêu cầu tiên quyết đòi Tổng thống Bashar Al-Assad phải nhanh chóng từ chức, nhằm đạt được sự đồng thuận cao hơn. Và, họ đã thành công. Nhưng, nghị quyết vừa được thông qua liệu có gỡ được bế tắc cuộc khủng hoảng vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Đây không phải là lần đầu tiên sức ép được các cường quốc phương Tây tạo ra nhằm gây áp lực đối với chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Mấu chốt của vấn đề là, một mặt phương Tây lên án, áp đặt các lệnh trừng phạt lên chính quyền Damascus hiện thời, mặt khác họ lại ra sức hỗ trợ phe nổi dậy đã khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông sâu sắc và lan rộng hơn.
Sự kiện đặc phái viên hòa bình của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về Syria, Kofi Annan, ngày 2-8, tuyên bố sẽ từ chức vào cuối tháng này đã khẳng định tình hình ở Syria đang lún sâu vào bế tắc. Mátxcơva đã "rất lấy làm tiếc" về sự ra đi của ông K.Annan. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi chỉ trích phương Tây nhân tố chính làm thất bại kế hoạch do cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc K.Annan khởi xướng.
Đã quá rõ về sự can thiệp từ bên ngoài là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại trong cuộc tìm kiếm hòa bình của cộng đồng quốc tế với Syria. Trên Thời báo Tài chính (Anh), ông K.Annan cũng đã chỉ rõ, sự can thiệp quân sự của phương Tây không đủ để mang lại thành công và rằng một giải pháp chính trị không toàn diện cho Syria cũng sẽ thất bại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm, ông Ban Ki-moon (ngày 3-8), cũng đã phải đưa ra nhận định mang tính "tiên đoán" rằng, cuộc xung đột ở Syria đã trở thành một "cuộc chiến tranh ủy quyền, với các bên quốc tế và khu vực vũ trang cho bên này hoặc bên kia".
Sự bất đồng quan điểm của cộng đồng quốc tế về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria đã và đang là nguyên nhân khiến cuộc xung đột leo thang. Trong một diễn biến mới, ngày 6-8, Đài truyền hình quốc gia Syria ở trung tâm thủ đô Damascus đã xảy ra đánh bom gây ra nhiều thương vong. Trước đó, ngày 4-8, một vị tướng giấu tên của quân đội Syria cho biết, quân đội đã giành quyền kiểm soát toàn bộ thủ đô Damascus. Trong khi đó, ngày 5-8, các nguồn tin từ thành phố Aleppo cho biết, máy bay của quân chính phủ đã dội bom xuống các vị trí do lực lượng chống đối chiếm giữ tại các quận Shaar, Sakhur và chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công "quyết định" vào cứ điểm mà lực lượng nổi dậy tại Syria coi là "chìa khóa" để "viết lại kịch bản" của thành phố Benghazi ở Libya trước đây. Khi có được Aleppo, thành phố gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng nổi dậy sẽ thiết lập được một vùng đệm lý tưởng để tiếp nhận hỗ trợ, đặc biệt là vũ khí từ bên ngoài để đối đầu với chính phủ hiện hành. Vào lúc này, theo nhiều nguồn tin, khoảng 20.000 binh sĩ Syria đã được triển khai để chuẩn bị tổng tấn công vào thành phố.
Chiến sự tại Syria đang bước vào thời điểm quyết định, báo hiệu cuộc chiến lớn sắp nổ ra. Theo tin mới nhất, tháng 7 vừa qua là tháng đẫm máu nhất tại Syria kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng (hồi tháng 3-2011) với hơn 4.200 người thiệt mạng. Con số này sẽ không dừng lại nếu cuộc tổng công kích Aleppo khai cuộc. Vì thế, cuộc khủng hoảng hiện nay ở quốc gia Trung Đông này sẽ càng khó có thể hóa giải bằng các kênh ngoại giao.