Đón xem mưa sao băng đẹp nhất trong năm

Công nghệ - Ngày đăng : 15:46, 06/08/2012

Mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) sẽ xảy ra vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/8. Đây là cơn mưa sao băng đẹp nhất trong năm với mật độ khoảng 60 - 80 vệt/h.

Mưa sao băng.


Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, theo tính toán, khoảng tầm 1 - 3h sáng ngày 13/8 là thời điểm mưa sao băng xuất hiện nhiều nhất (tất nhiên, suốt buổi tối ngày 12/8 cũng đã có mưa sao băng, nhưng tần suất chưa nhiều). Khi quan sát hãy hướng mắt nhìn về chân trời phía Đông. Lý do là vì trận mưa sao băng này xuất phát từ chòm sao Perseids (chòm sao này mọc vào khoảng sau 12h đêm) ở chân trời phía Đông.

So với các trận mưa sao băng khác trong năm, trận mưa sao băng lần này không chỉ nhiều mà còn rất dài. Thông thường đối với những trận mưa sao băng ngắn, một vệt sao băng chỉ xuất hiện trong khoảng 1/3 đến nửa giây. Đối với trận mưa sao băng này. Một vệt mưa sao băng có thể xuất hiện từ 2 - 3 giây.

Một điểm đáng lưu ý nữa là thời điểm mưa sao băng xuất hiện là gần cuối tháng lịch âm, khi đó trăng lên muộn và thường mờ nhạt chứ không quá sáng, vì thế, nếu thời tiết thuận lợi (không mưa, trời quang...) sẽ rất thuận lợi để quan sát trận mưa này.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một điểm: Sao băng là hiện tượng thiên nhiên bình thường. Hoàn toàn không có chuyện mưa sao băng đem lại điềm gở hay niềm vui. Chắc chắn không bao giờ có chuyện một ngôi sao băng vụt qua là sẽ có một linh hồn chết hay, nhìn sao băng, sao băng sẽ biến những điều ước thành hiện thực.

Không gắn với yếu tố tâm linh, song cũng đừng nên hi vọng đến việc nhặt được một mảnh sao băng nào đó. Vì sao băng hiếm khi rơi xuống mặt đất, và điều quan trọng, nếu nó rơi xuống đất thì có khi sẽ kéo theo "chuyện xấu".

Lý do là vì mưa sao băng sau khi lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất nhanh và sẽ bốc cháy. Chúng thường bốc cháy ở khoảng cách vài chục km trước khi chạm được với mặt đất. Tất nhiên, đối với những sao băng kích thước lớn (hay còn gọi là thiên thạch), chúng sẽ không bốc cháy hết và lao xuống mặt đất. Song một khi chúng rơi xuống thì thường gây ra những hậu quả lớn. Đơn cử, năm 1908, một mảnh thiên thạch đã từng làm cháy rụi cả một khu rừng của Nga. Tương tự, tại Mỹ, một mảnh thiên thạch rơi trúng một chiếc ô tô làm toàn bộ phần mui xe bị phá hủy...

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang, thực tế những thiên thạch lớn này hiếm khi xuất hiện. Một thiên thạch khoảng 1km phải mất 500.000 năm mới xuất hiện trở lại.

Sơn Hà