Đầu tư cho cử tạ sau Olympic 2012: Hãy bắt đầu từ hôm nay

Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 05/08/2012

(HNM) - Ai cũng rõ chiến dịch tranh huy chương bất thành tại Olympic 2012 của Trần Lê Quốc Toàn cũng như cử tạ Việt Nam. Vấn đề là sau thất bại, cần có chiến lược đầu tư cho cử tạ tại các kỳ Olympic tiếp sau như thế nào.

Trước Olympic 2012, cử tạ đã chứng tỏ là môn thể thao sáng giá nhất có thể giành huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam, không chỉ ở Olympic kỳ này mà còn ở các kỳ sau. Thành tích của Trần Lê Quốc Toàn tại Olympic 2012 không tốt như lực sĩ đàn anh Hoàng Anh Tuấn, nhưng cũng cần nhớ rằng Quốc Toàn chỉ mới được chú ý đầu tư trong gần 2 năm gần đây.

Việc Trần Lê Quốc Toàn không thể giành được huy chương tại Olympic là điều đáng tiếc cho cử tạ Việt Nam.

Nếu Quốc Toàn được đầu tư mạnh tay từ 4 năm trước, có lẽ thành tích của anh tại Olympic 2012 đã tốt hơn nhiều. Có điều, sau ánh hào quang mà Hoàng Anh Tuấn tạo dựng được ở Olympic 2008, mọi sự quan tâm chỉ dành cho lực sĩ này, những VĐV khác ở hạng 56kg, trong đó có Trần Lê Quốc Toàn chỉ được đầu tư ở mức bình thường. Không phải nhà quản lý không biết tài của Trần Lê Quốc Toàn, đơn giản là chẳng ai tính đường xa khi trước mặt đã có Hoàng Anh Tuấn.

Phải đến khi Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu vào năm 2010 vì mẫu thử dương tính với chất kích thích thì nhà quản lý mới "rộng tay" với các tài năng trẻ. Nhưng lúc ấy, không phải Trần Lê Quốc Toàn đã được chú ý ngay vì trước VĐV này còn một Thạch Kim Tuấn vô địch Olympic trẻ thế giới 2010, dù giới chuyên môn đã khẳng định Thạch Kim Tuấn khó trụ lại ở hạng 56kg vì thể hình không phù hợp với hạng cân này. Phải đến khi chuyên gia người Bulgary D.Deykov sang Việt Nam, Trần Lê Quốc Toàn mới được trọng dụng và được đầu tư mạnh tay. Tại SEA Games 26, chuyên gia D.Deykov kể rằng đã "chấm" Quốc Toàn để đầu tư trọng điểm cho hạng 56kg trong lần đầu nhìn thấy chàng trai nhỏ bé này tập luyện. Và trong khi lãnh đạo bộ môn còn đang lưỡng lự chọn lựa giữa Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn thì chuyên gia Deykov đã coi Quốc Toàn là sự lựa chọn số 1 của mình.

Quãng thời gian 17 tháng được huấn luyện bởi chuyên gia Bulgary, trong đó có không ít thời gian tập huấn trong nước, thực sự không đủ giúp Trần Lê Quốc Toàn nâng cao khả năng tranh chấp huy chương Olympic 2012 như Hoàng Anh Tuấn 4 năm trước. Để có thành công tại Olympic 2008, Hoàng Anh Tuấn đã phải trải qua chu kỳ 4 năm được chú trọng đầu tư (dù chưa phải ở mức tốt nhất, do hạn chế về kinh phí của thể thao Việt Nam). Tuy thế, chỉ trong gần 2 năm tính từ ASIAD 2012 (khi chuyên gia Bulgary chưa xuất hiện ở đội tuyển Việt Nam), Quốc Toàn đã nâng mức tạ từ 161kg lên 284kg, cho thấy ở VĐV này tiềm năng phát triển lớn thế nào. Và nếu cử tạ Việt Nam chú trọng ngay vào lớp kế thừa từ 4 năm trước, nguy cơ trắng tay tại Olympic 2012 chưa chắc đã xảy ra bởi Quốc Toàn hoàn toàn có thể chinh phục mức tạ cao hơn 284kg.

Ngay khi từ London trở về, lãnh đội cử tạ Việt Nam đã nói đến sự đầu tư mạnh tay hơn nữa cho Trần Lê Quốc Toàn theo chu kỳ 4 năm để anh có thể dễ dàng tranh chấp huy chương Olympic. Tuy thế, cuộc sống thể thao có nhiều điều khó lường và cũng có những quy luật rõ ràng, như là "gieo gì gặt nấy". Không thể đợi 4 năm sau, khi Quốc Toàn kết thúc phần thi tại Olympic 2016 Rio de Janeiro ở Brazil thì các nhà quản lý mới bắt đầu đầu tư mạnh tay cho các tài năng trẻ khác. Việc ấy phải được bắt đầu ngay, với con người cụ thể và mức đầu tư cụ thể (chắc chắn không thể kém mức đầu tư cho Trần Lê Quốc Toàn) thì mới mong có lớp VĐV dày dặn đủ sức tranh chấp huy chương Olympic bền vững, chứ không phập phù kiểu "sao" chính có chuyện là "hết cửa" huy chương.

Thùy An