Niềm vui cuộc sống là làm được gì đó tốt đẹp!

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 05/08/2012

(HNM) - "Cuồng" vì thần tượng, sống vội, vô cảm với người xung quanh… đang là lối sống của một bộ phận giới trẻ khiến không ít người lo lắng. Tuy nhiên, giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, vẫn có rất nhiều người trẻ với nghĩa cử cao đẹp, bình dị cùng quan điểm sống và những trăn trở đáng để lớp trẻ suy ngẫm. Trần Đình Chương, Giám đốc Công ty CP Mặt trời (TP Hồ Chí Minh) - một thanh niên thế hệ 8X - là người như thế.

Cuộc trao đổi của chúng tôi bắt đầu từ hành động của Trần Đình Chương giúp hàng trăm chỗ trọ miễn phí cho sĩ tử mùa thi…

Sống là phải biết san sẻ

- Năm nay là năm thứ ba anh hỗ trợ các thí sinh từ các tỉnh đi thi đại học. Anh đã hỗ trợ thế nào? Một giám đốc bận rộn như anh, việc hỗ trợ thí sinh sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc?

- Trước đây tôi có một thời gian làm việc ở trung tâm hỗ trợ sinh viên. Khi làm ở đây, tôi thấy chương trình này có ý nghĩa xã hội tốt, giúp được thí sinh ở tỉnh lên thành phố (TP) lạ lẫm, không quen biết. Chi phí ở thành phố đắt đỏ trong khi thí sinh các tỉnh không có nhiều tiền nên tôi nghĩ mình giúp được tới đâu thì giúp trong khả năng. Vì vậy, tôi dành khoảng 400m2 của hai tầng lầu trên cùng trong tòa nhà công ty để làm chỗ ở cho các em và gia đình trong những ngày đi thi. Năm nay có khoảng 300 em đã ở đây. Quan điểm của tôi, khi mình cho đi sẽ được nhận lại, thành ra khi cho được thì cứ cho thôi.

Giám đốc Công ty CP Mặt trời Trần Đình Chương.

- Anh quan niệm cho đi thì sẽ nhận được. Thế anh đã nhận được gì?

- Việc cho đi, nhận được không phải là một trao đổi ngang bằng. Mình sống tốt, con cái của mình làm theo là một cái mình được nhận. Hay có khi mình làm việc tốt thì những người thân của mình sẽ gặp may mắn. Tôi nghĩ, cuộc đời tôi là một chuỗi rất may mắn, đó có lẽ là cái tôi được nhận ở đời.

- Một trong những cái “nhận” được ngay bây giờ, có lẽ là tình cảm, sự biết ơn của những thí sinh đã được anh giúp đỡ. Đã 3 năm làm “Mạnh Thường Quân”, anh có nhận được lời cảm ơn hay có ai quay lại thăm anh không?

- Quay lại thăm thì chưa. Vì tôi làm thông qua trung tâm hỗ trợ sinh viên, giao nhà cho trung tâm tự quản lý, phân bổ thí sinh vào ở chứ không phải là người tiếp xúc trực tiếp nên không nhiều em biết tôi. Còn lời cảm ơn có lẽ là có nhưng thật sự tôi không lưu tâm điều đó. Quan điểm của tôi là giúp chứ không nhất thiết hay để ý đến việc người ta có quay lại cảm ơn hay không. Cho, nghĩa là san sẻ, thế thôi.

- Có gì buồn vui trong quá trình anh giúp đỡ các em thí sinh?

- Tôi nghĩ làm được điều tốt thì là niềm vui rồi. Còn khi số lượng người đông như vậy tập trung ở chỗ của mình thì đương nhiên sẽ có những bất tiện. Nhưng đó không phải việc mình bận tâm, vì khi xác định tạo điều kiện giúp đỡ rồi thì đương nhiên sẽ chấp nhận.

Giới trẻ bây giờ sống vội quá

- Anh sinh năm 1981, còn khá trẻ. Anh có nhận xét về thế hệ trẻ như mình hiện nay?

- Tôi không nêu quan điểm, chỉ nói về những gì mình cảm nhận được. Trong công việc tôi tiếp xúc với rất nhiều người trẻ, cảm nhận chung là nhiều thanh niên bây giờ có vẻ sống vội quá. Vội vã làm, vội vã kiếm tiền, vội vã hưởng thụ, vội vã đưa ra những quyết định nhiều khi chưa kịp biết là tốt hay xấu, đúng hay sai. Đi làm cũng vậy, họ “nhảy việc” rất nhiều, làm một vài tháng là nghỉ rồi đi làm chỗ khác. Có thể “nhảy việc” thì lương cao hơn, tiền kiếm được nhiều hơn một chút nhưng như vậy họ không có kinh nghiệm, không có cái nhìn xuyên suốt về việc mình làm, mà họ vẫn cứ tưởng là như vậy là mình có kinh nghiệm rồi.

Tôi nghĩ, cuộc sống nhiều khi cần phải vội, nhưng mà mình phải dành thời gian để tĩnh lại, sống chậm lại. Như vậy mới có thời gian suy nghĩ về xung quanh để từ đó có thể tỉnh táo trong các quyết định của mình.

- Nhưng nhiều người lại cho như thế là tích cực, bởi luôn vận động là để tiến lên phía trước?

- Nó chỉ tích cực khi người ta có độ chín chắn, đủ kỹ năng sống.

- Anh đang sống chậm hay sống nhanh?

- Tôi đang cố gắng sống chậm.

- Làm sao làm được điều này?

- Đương nhiên là phải điều chỉnh mình. Khi làm việc, để có những quyết định tôi phải suy nghĩ rất kỹ. Quan điểm của tôi là phải cân bằng, mình phát triển thì người ta cũng phải phát triển. Còn nếu cái lợi của mình mà là cái hại của người khác thì sự phát triển đó không bền vững. Có những dự án lợi nhuận rất tốt nhưng tôi không làm, vì với tôi, đơn giản là một ngày mình có đủ ba bữa cơm là được, đâu nhất thiết phải bon chen. Tôi từng nhận tổ chức một sự kiện và sau đó phần “lại quả” được gợi ý lên đến 30-35% doanh thu. Về nguyên tắc, kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Nếu tôi thu 100 đồng, phải trả lại 30 đồng thì phần lợi nhuận còn lại ít nhất cũng phải 30 đồng. Như vậy, thu 100 đồng nhưng chi phí cho người trực tiếp làm chỉ khoảng 40 đồng. Nếu nhìn và so sánh “cái barem” thì đó là một sự bóc lột quá dã man. Nhưng mà cuộc sống thì phải vậy, nhiều khi không có lựa chọn khác và cũng không có cách nào để thay đổi. Chỉ có cách duy nhất là sống chậm lại và những trường hợp như vậy mình không làm. Dù rằng mình không làm thì sẽ có người khác làm, nhưng đó là người khác làm chứ mình không phải làm việc mà mình không muốn.

- Một bộ phận thanh niên hiện nay khá thờ ơ với những người xung quanh, như thấy người bị nạn không giúp, thấy người già qua đường không nhường lối…?

- Tôi nghĩ người trẻ nói chung hiện nay, trừ những người có kỹ năng sống, còn lại không ít người khi đã bị cuốn vào vòng xoáy đi làm, kiếm tiền, hưởng thụ thì dễ bị bệnh vô cảm. Bệnh này một phần còn do xã hội. Một trong những nguyên nhân gây vô cảm là bị người ta lợi dụng lòng tốt của mình để kiếm tiền. Ví dụ, nhìn thấy một mảnh đời, một người bán vé số, một người ăn xin… mình giúp đỡ thì đôi khi lại bị lừa. Vậy nên lần sau nhìn thấy sẽ cảnh giác, không giúp đỡ nữa.

Giáo dục ở nhà trường cũng ảnh hưởng rất nhiều. Bây giờ đọc báo, tin tức luôn nghe nói đến thành tích, nó có ở khắp mọi nơi, từ trường học đến đơn vị hành chính sự nghiệp... Ở một góc nhìn nào đó, đạt được thành tích, được tuyên dương là tốt, nhưng đôi khi người ta quên mất bản chất của thành tích là đâu mà cứ máy móc áp vào con số và bắt người khác đi theo. Tại sao ở thế hệ 8X “đời đầu” như tôi và trước nữa người ta nhàn hạ chuyện đi học, có đi chơi, học thêm vừa phải. Nhưng trẻ em bây giờ học muốn điên: sáng học, trưa học, chiều học, tối học… Bản thân phụ huynh cũng ép thầy cô chứ. Khi chạy đua với thành tích thì sẽ hình thành ích kỷ hơn và có thể thành bệnh vô cảm sau này. Mặt khác, báo chí lại đưa quá nhiều những chuyện tiêu cực của xã hội. Điều đó làm người đọc sợ và luôn cảnh giác với xung quanh, cảnh giác với lòng tốt của con người; đồng thời khi đã quá quen với cái xấu người ta nhiều lúc không coi đó là cái xấu! Thật nguy hiểm.

- Anh có buộc con anh phải có thành tích cho bằng bạn bằng bè không?

- Quan điểm của tôi là mình chỉ định hướng thôi. Đương nhiên sẽ có những thứ buộc con phải học, nhưng trẻ con phải có thời gian chơi, đó là quan trọng. Còn kết quả học tập tôi không quan tâm nhiều mà chỉ quan tâm con mình được học những gì và trang bị cho nó đủ kỹ năng sống sau này.

- Thế hệ thanh niên bây giờ, lớn lên và phát triển giữa một xã hội có nhiều luồng văn hóa, có nhiều cái tốt và cái xấu. Quan điểm sống của họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thần tượng. Theo anh làm sao để hướng họ có những kỹ năng sống tốt?

- Điều đó phụ thuộc nhiều vào chuyện họ nhìn vào những người xung quanh, xem cái gì trên truyền hình, báo chí. Mà báo chí hiện nay đôi khi ca ngợi những người rất… bất ổn. Hôm nay đăng cô người mẫu này, cô người mẫu kia đi dự dạ tiệc mặc cái đầm hàng tỷ đồng hay cái túi 30.000 - 40.000 USD… Làm như vậy đã cho người ta một giá trị phù phiếm. Nếu một cô gái mới lớn và có nhan sắc, bị tác động có khi lại tự hỏi tôi đẹp đâu thua gì cô người mẫu kia, tại sao tôi phải đi “cày” thế này. Thế là sẽ rất nhanh các cô gái đi kiếm một cuộc thi cấp phường, cấp xã rồi sau đó là cấp huyện, cấp tỉnh để kiếm một danh hiệu. Rồi sau đó lại đi kiếm “đại gia” để “nương tựa” để được đưa đi nước ngoài, được có túi LV… Người ta cứ lo chạy theo những giá trị lệch lạc đó mà quên mất rằng ở cái tuổi đó là mình phải đi học. Như vậy làm sao mà “đỡ” được!

Tôi là người may mắn

- Anh nói anh là người may mắn, tôi cũng nghĩ vậy, bởi vì anh có đủ điều kiện để làm điều anh muốn và từ chối những điều anh không muốn, trong khi có rất nhiều người không có điều kiện để từ chối, họ buộc phải làm vì cần cân đối những việc khác trong đời sống.

- Không hẳn là như vậy. Tôi nghĩ là mình có chấp nhận như vậy hay không mà thôi. Bởi quan điểm của tôi đơn giản là một ngày có đủ ba bữa cơm. Có thể chị gặp tôi cả ba bữa đều đi ăn ở nhà hàng sang trọng hay có khi ăn cơm bình dân lề đường hay về nhà tự nấu cơm ăn. Tất cả chuyện ăn sang, ăn ngon hơn hay ăn dở hơn với quan điểm của tôi chỉ là chuyện không quan trọng.

- Nhưng trong cuộc sống còn phải có trách nhiệm với những người xung quanh, như vợ, con… đâu thể để họ sống theo kiểu sống của mình mà phải bảo đảm họ có cuộc sống như họ muốn chứ?

- Nó nên là cái san sẻ. Vẫn trở lại quan điểm ban đầu của tôi là cho để nhận. Mình cứ cho đi như thế, chân thành như thế thì chắc chắn khi mình gặp khó khăn thì sẽ có người khác hỗ trợ mình, giúp đỡ lại mình.

- Làm sao để nhân lên được nhiều người tốt, biết san sẻ với người khác?

- Theo tôi không có công thức và phương pháp cho vấn đề này. Mà nó sẽ xuất phát từ tự thân mỗi người, từ nhận thức của họ, rồi được đi nhiều, trải nghiệm nhiều kết hợp với đọc sách nhiều sẽ cho họ những suy nghĩ đúng đắn.

- Người đứng đầu công ty nào cũng muốn nhân viên mình được tốt, gắn bó với công ty. Anh làm điều này như thế nào?

- Khi mình đối xử với người ta chân thành thì mình sẽ nhận lại sự chân thành. Quan điểm của tôi là người nào việc đó và cái gì chia sẻ được là sẵn sàng chia sẻ. Còn tất cả những việc khác nó đều có công thức, barem, quy định của nó.

- Triết lý kinh doanh của anh là gì?

- Là cứ… từ từ thôi.

- Ngoài quản lý, anh có hoạt động hỗ trợ kỹ năng sống cho nhân viên không?

- Lúc trước, khi số lượng nhân viên còn ít thì tôi còn có thời gian để nói chuyện với tất cả mọi người. Sau này phần lớn chỉ nói chuyện với cấp quản lý trung gian. Trong cuộc họp thì bàn các vấn đề thuộc công việc, ngoài cuộc họp thì chia sẻ. Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, con người phải chịu rất nhiều những áp lực xung quanh. Trong vô số những áp lực đó, có những điều không thể thay đổi được, bắt buộc phải chịu, nhưng cái gì mình cũng có thể giải thích được. Vậy nên tôi chia sẻ về nguyên nhân, vì sao mọi người đang chịu cái áp lực như vậy. Và khi hiểu được nguyên nhân thì rất dễ để họ lựa chọn, điều chỉnh, có quan điểm và kỹ năng sống tốt hơn.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Đặng Loan