Quan hệ Nhật - Mỹ: Nỗ lực hóa giải bất đồng

Thế giới - Ngày đăng : 05:54, 05/08/2012

(HNM) - Không quá "nóng bỏng" như những tranh cãi nảy lửa giữa Nhật Bản với một số quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á những ngày qua về chủ quyền biển đảo, nhưng chuyến thăm Washington 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto (bắt đầu từ 4-8 theo giờ Việt Nam), vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới.

Cuộc gặp đầu tiên của Bộ trưởng Satoshi Morimoto với người đồng cấp Mỹ Leon Panetta diễn ra trong bối cảnh quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản vừa "gặp khó" sau khi Mỹ quyết định triển khai máy bay trực thăng vận tải hạng nặng MV-22 Osprey tại căn cứ quân sự Futenma ở Okinawa, miền Nam Nhật Bản vào cuối năm nay. Người dân đất nước Mặt trời mọc chỉ chấp nhận MV-22 Osprey khi nó được vận hành một cách an toàn nhất và điều này đã trở thành một chủ đề quan trọng trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Satoshi Morimoto với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Chiếc MV-22 Osprey vừa được Mỹ đưa tới sân bay Iwakuni, Nhật Bản.

Bất đồng mới nhất trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản khởi phát sau khi Washington đưa 12 chiếc trực thăng vận tải MV-22 Osprey đến căn cứ hải quân Mỹ ở Iwakuni, tỉnh Yamaguchi miền Tây Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, Mỹ còn dự kiến sẽ triển khai loại máy bay có khả năng phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp này tới căn cứ quân sự Futenma. Đây là một phần quan trọng trong việc hoàn tất cam kết của Mỹ với an ninh của Nhật Bản cũng như duy trì ổn định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược trở lại Châu Á của Tổng thống Barack Obama. Với giới quân sự Mỹ, sự hiện diện của MV-22 Osprey tại Okinawa là thực sự cần thiết cho an ninh của Nhật Bản cũng như khu vực. Song kế hoạch tham vọng này đã vấp phải sự phản đối của dư luận Nhật Bản, đặc biệt là người dân sống ở Okinawa vì căn cứ Futenma nằm ngay giữa khu vực đông dân cư. Sự lo ngại tại Nhật Bản bắt nguồn từ cách đây không lâu khi một chiếc Osprey gặp nạn trong lúc bay huấn luyện tại bang Florida (Mỹ) làm 5 thành viên phi hành đoàn bị thương. Trước đó một chiếc Osprey cũng liên quan đến một vụ tai nạn tại Morocco tháng 4-2012.

Trong bối cảnh đó, sứ mệnh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Satoshi Morimoto ngoài các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế mà Nhật Bản, Mỹ cùng quan tâm còn có vấn đề độ an toàn của "nhà kho" bay này. Nỗ lực của Bộ trưởng Satoshi Morimoto đã được đền đáp khi người đồng cấp Leon Panetta khẳng định trong cuộc hội đàm rằng, Mỹ sẽ tạm hoãn triển khai MV-22 Osprey tại Nhật Bản để làm rõ về độ an toàn của loại máy bay này; đồng thời cuối tháng 8, Washington sẽ gửi cho Tokyo một báo cáo đầy đủ về độ an toàn của MV-22 Osprey với hy vọng nhận được cái "gật đầu" của người dân Nhật Bản để hoàn tất việc triển khai loại máy bay vận tải chiến lược này tại xứ Phù Tang.

Quan hệ Mỹ - Nhật Bản dù "trục trặc" sau kế hoạch triển khai máy bay Osprey MV-22 nhưng giữa lúc Đông Bắc Á rơi vào biến động, đặc biệt liên quan đến lợi ích an ninh của nước Nhật, chắc chắn các nhà lãnh đạo hai nước không để "Kế hoạch Osprey MV-22" làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh chiến lược với nhiều lợi ích ràng buộc. Nhận định này càng có cơ sở khi Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong chính sách ngoại giao với Mỹ của Thủ tướng Yoshihico Noda ngay từ khi lên nắm quyền, với trọng tâm ưu tiên hợp tác chính trị, quân sự và an ninh với Washington. Một quan hệ như vậy không chỉ khiến Nhật Bản tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ Mỹ để bảo đảm an ninh cho đất nước mà còn duy trì được thế cân bằng chiến lược của Nhật Bản trong khu vực Đông Bắc Á.

Mặc dù chính quyền các địa phương ở Nhật Bản không có căn cứ pháp lý để phản đối "Kế hoạch Osprey MV-22" của Mỹ, nhưng làn sóng phản đối mạnh mẽ của cư dân trên đảo Okinawa có thể làm xói mòn sự ủng hộ của người dân nước này với nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda. Trong khi đó, với nội các đương nhiệm Nhật Bản, việc giành được uy tín của cử tri vào lúc này để thúc đẩy nền kinh tế lớn đang gặp nhiều thách thức là một vấn đề hết sức có ý nghĩa.

Đình Hiệp