Người đồng tính, nhìn nhận thế nào cho đúng?

Xã hội - Ngày đăng : 08:27, 04/08/2012

(HNM) - Cho tới nay, những người đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng vẫn chưa được xã hội nhìn nhận với sự hiểu biết đầy đủ, hầu hết đã và đang phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực từ các mối quan hệ bên ngoài và trong gia đình họ.


Kỳ thị vì thiếu hiểu biết

Kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) trên một trang báo mạng với 2.468 người được hỏi, cho thấy có 463 ý kiến (18,76%) coi đồng tính nữ là sai trái hoặc không thể chấp nhận được. Theo bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ CSAGA, có nhiều nguyên nhân khiến một số người tỏ ra ác cảm với người đồng tính, chủ yếu là do họ hoàn toàn không giao tiếp với người đồng tính, không có kiến thức về đồng tính. Một nguyên nhân khác là quan điểm sai lệch về người đồng tính, cho rằng những người này chịu ảnh hưởng bởi lối sống đua đòi mà thành đồng tính. Có người đã phát biểu: "Người ta thường nói trời sinh ra có nam có nữ, sao lại có người như thế? Bệnh hoạn, đua đòi thôi chứ làm gì có người sinh ra là thế".


Những người đồng tính nữ vẫn đang phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử.

Theo phân tích của các chuyên gia, những lời nói trên thể hiện sự thiếu hiểu biết và cảm thông. Người ta thường khó chấp nhận những gì bị coi là khác thường, không chấp nhận quan niệm cho rằng đồng tính cũng là "điều bình thường" trong xã hội hiện đại. Những người "ưa phán xét" tỏ ra bảo thủ, thiếu hiểu biết về vấn đề nhạy cảm này nhưng lại không có ý thức, hoặc không có động cơ để tìm hiểu kỹ càng. Với họ, thật khó chấp nhận những gì không giống với số đông.

So với người đồng tính nam, người đồng tính nữ phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nhiều hơn. Họ không những phải hứng chịu sự kỳ thị với người đồng tính nói chung, mà còn chịu ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng giới và các quan niệm truyền thống đối với phụ nữ. Ngoài sự kỳ thị từ bên ngoài, bản thân người đồng tính nữ còn chịu sự tự kỳ thị. Họ xấu hổ, tự coi thường, miệt thị chính mình, sợ hãi bị hắt hủi và phân biệt đối xử. Đa số đồng tính nữ trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ phía gia đình. Một đồng tính nữ 23 tuổi ở Hà Nội chia sẻ: "Cách đây mấy tháng em yêu Thúy. Mẹ em gần như chết đi sống lại và cứ đòi nhảy xuống hồ Tây tự tử. Rồi bố mẹ em dẫn em ra hồ Tây, bắt em chọn: một là cắt đứt quan hệ với bố mẹ, coi như không có gia đình, muốn đi đâu, làm gì thì làm; hai là phải trở về một đứa con gái bình thường, yêu con trai". Một đồng tính nữ khác, 29 tuổi, đã phải chấp nhận điều trị tâm thần để chứng minh cho gia đình thấy đồng tính không phải là bệnh và không thể chữa được, cho dù đợt điều trị gây ra nhiều căng thẳng về thể chất và tâm lý cho chị. Chị tâm sự: "Nói chung là hễ mình phản ứng lại là người ta tiêm cho một liều thuốc, thế là lại lăn ra ngủ".

Với nhiều cha mẹ, hối thúc con có bạn trai và lấy chồng được coi như phương thức hữu hiệu để giải quyết vấn đề đồng tính. Trong quan niệm của họ, lấy chồng và sinh con đẻ cái chính là cách kéo con gái mình về với vai trò của người phụ nữ: "Kể cả buồn chán, không thích thì vẫn phải theo vì đấy là quy luật... Đã là phụ nữ thì phải lấy chồng, đẻ con!".

Và những hệ lụy

Sự kỳ thị và hành vi bạo lực với đồng tính nữ mang lại hậu quả nặng nề. Hầu hết đồng tính nữ không muốn lộ diện với gia đình, bạn bè, họ luôn thận trọng trong từng hành động. Nhiều người không vào trang web dành cho người đồng tính ở những nơi bị cho là dễ phát hiện, chỉ nói chuyện liên quan ở nơi an toàn. Sự thận trọng khiến họ sống khép mình, sống một cuộc sống hai mặt, chấp nhận lấy chồng, sinh con nhưng vẫn duy trì quan hệ tình dục đồng giới. Mệt mỏi vì phải giấu mình, luôn đối diện với sự kỳ thị, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm và tìm đến rượu, ma túy, sống buông thả. Những hành vi đó khiến đồng tính nữ ngày một bị xa lánh hơn.

Sự kỳ thị khiến đồng tính nữ phải che giấu khuynh hướng tình dục và nhân dạng tình dục của mình. Bà Nguyễn Thị Lan phân tích: "Họ có thể quan hệ tình dục ở những nơi bí mật nhưng không có điều kiện tiếp cận với biện pháp tình dục an toàn. Sợ bị kỳ thị, họ không muốn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khi có bệnh. Đó là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HIV trong nhóm này. Người đồng tính có HIV hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục phải đối mặt với kỳ thị kép".

Để can thiệp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu bạo lực và sự kỳ thị với người đồng tính nữ, các chuyên gia cho rằng không thể chỉ dừng lại ở việc thông tin tuyên truyền về quyền của người đồng tính, mà phải nhìn rõ hơn nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng trên nhiều phương diện đối với nhóm này. Bên cạnh đó, cần phải có các chương trình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với cộng đồng người đồng tính, đặc biệt là hỗ trợ về mặt pháp lý.

Lâm Vũ