Mạng di động nhỏ: Tồn tại hay phá sản?
Xe++ - Ngày đăng : 08:11, 04/08/2012
Các mạng di động nhỏ sẽ ra sao sau khi thị trường bão hòa? Ảnh: Thanh Hải
Khi thị trường bão hòa, thuê bao tăng trưởng chậm, các mạng nhỏ sẽ ra sao? Sau khi sáp nhập EVN Telecom vào Viettel, thị trường viễn thông di động vẫn chia làm hai nhóm: 3 "đại gia" (Viettel, Mobifone, Vinaphone) và nhóm các mạng nhỏ (Vietnamobile, S-Fone và Beeline). Vietnamobile - đứng đầu trong nhóm mạng nhỏ có lượng thuê bao đứng thứ 4 trên thị trường. Sau 3 năm kể từ ngày chuyển đổi công nghệ và ra mắt thương hiệu mới, tháng 3-2012 đại diện nhà mạng này đã tuyên bố đạt hơn 10 triệu thuê bao và muốn vươn lên vị trí thứ 3. Thời điểm đó nhiều người cho rằng, Vietnamobile đang tìm cách gây sự chú ý, vì không thể lọt vào nhóm "đại gia", bởi nhóm này rất mạnh về nhiều mặt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu như đề xuất tái cơ cấu của Tập đoàn VNPT được chấp thuận, thì Mobifone sẽ sáp nhập với Vinaphone, vậy Vietnamobile sẽ đứng thứ 3. Song, nếu căn cứ vào thực trạng của thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, ý nghĩa thứ hạng này (gồm cả lượng thuê bao) chưa đủ bảo đảm cho sự trụ hạng của Vietnamobile. Thực tế có tới 95% thị phần nằm trong tay 3 "đại gia" như vậy, ở một khía cạnh, có thể nhận thấy người dân đã có sự lựa chọn và họ chỉ dùng thêm sim các mạng nhỏ để hưởng khuyến mãi (Vietnamobile được phép thực hiện khuyến mãi tặng 100% giá trị). Thêm vào đó, chất lượng vùng phủ của Vietnamobile cũng không thể so với 3 "đại gia" đứng trên. Phải khuyến mãi lớn, chấp nhận lượng thuê bao ảo lớn (điều này là tất nhiên) lại hoạt động trong bối cảnh thị trường đã bão hòa, lợi nhuận/doanh thu thấp, cho dù đã đầu tư cả tỷ USD vào thị trường Việt Nam, đến nay vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì về mạng di động này.
Với mạng Beeline, sau khi chủ động gửi thông tin cho giới truyền thông về việc đối tác liên doanh Vimpelcom rút vốn bán lại cổ phần với giá 45 triệu USD, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống nào về tương lai của mạng di động này. Theo một số chuyên gia, để Beeline hoạt động trở lại, ngoài việc phải ra thương hiệu mới (do quy định sẽ ngừng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ ngày 23-4-2012), thì Tổng Công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel) thuộc Bộ Công an phải giải quyết được 2 vấn đề là vốn và băng tần. Sở dĩ như vậy, sau khi đối tác rút vốn, Gtel sẽ phải tìm đối tác mua lại cổ phần, phải rót vốn để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, việc huy động vốn không đơn giản và việc bỏ tiền vào một sân chơi đã bão hòa sẽ khiến người bỏ vốn phải cân nhắc kỹ… Hơn nữa, do "vào" sau nên Gtel chỉ còn dải băng tần 1800MHz, mà dải này có đặc điểm vùng phủ hẹp nhưng khả năng xuyên thấu cao - phù hợp với vùng đô thị, nhưng với vùng nông thôn, đây lại là điểm yếu và để có chất lượng vùng phủ tốt, phải lắp đặt nhiều BTS và như vậy lại phải chi phí nhiều tiền của… Những khó khăn kể trên cho thấy câu hỏi về tương lai của mạng di động Beeline chưa có câu trả lời và điều này càng khẳng định về khả năng trụ hạng của mạng này.
Với S-Fone, nhà mạng này đã được Bộ TT-TT chấp thuận cho chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM. Nhưng, việc tìm kiếm đối tác đầu tư đã hai năm nay chưa được xác định. Kinh tế khó khăn, thị trường bão hòa… nhà đầu tư không thể đổ hàng tỷ USD để chuốc lấy khả năng thất bại cao. Gần đây, hình ảnh về việc nhân viên đến đòi tiền lương, rồi chuyện S-Fone dừng hợp đồng với nhân viên đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra cho thấy một S-Fone đang gặp không ít vấn đề.
Thời gian tới, các mạng di động nhỏ sẽ thế nào, trụ hạng được bao lâu? Có một thực tế, trừ Vietnamobile là cổ phần, còn lại đều là DN nhà nước, vậy việc sáp nhập hay phá sản sẽ do cơ quan chủ quản quyết định.