Cần luật hóa nhiệm vụ "phản biện xã hội" của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 07:55, 04/08/2012
Quang cảnh phiên họp. |
Việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cụ thể một số quy định hiện hành, xây dựng cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2013, dự án Luật MTTQ Việt Nam và một số dự án luật khác sẽ được xây dựng song song với dự án sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, kỳ họp thứ năm (5-2013) Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu, kỳ họp thứ 6 (10/2013) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua. Vì vậy, từ nay đến tháng 10/2013, MTTQ Việt Nam vừa phải tham gia xây dựng dự án sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa chủ trì xây dựng dự án Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi. Những vấn đề mới, nhất là vấn đề MTTQ Việt Nam tham gia phản biện xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân... cần phải chủ động đề nghị đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để làm căn cứ cụ thể hóa trong Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Để chuẩn bị xây dựng dự án Luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam. Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức tổng kết thi hành Luật và báo cáo gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Về phạm vi sửa đổi bổ sung, vì là dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) nên việc sửa đổi Luật lần này dự kiến chỉ giữ lại những quy định cơ bản về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam; nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên; nguyên tắc, phương thức phối hợp giữa Mặt trận với Nhà nước. Những vấn đề còn lại cần được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện và cụ thể nhằm nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, phù hợp với yêu cầu được nêu trong các văn kiện của Đảng gần đây; khắc phục được những tồn tại, khó khăn trong tổ chức hoạt động của Mặt trận do những hạn chế từ Luât hiện hành.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ có 5 nội dung: Về thành viên của MTTQ Việt Nam; Vai trò của MTTQ Việt Nam; Về nhiệm vụ chung của MTTQ Việt Nam; Về trách nhiệm và quyền của MTTQ Việt Nam; về những quy định bảo đảm hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Góp ý tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển. Để Luật Mặt trận sửa đổi đạt hiệu quả cao nhất, những người tham gia phải đề cao trách nhiệm, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Quy chế phải cụ thể và có bộ phận thường trực. Cách thức làm nên có khảo sát thực tế ở nước ngoài, cần có văn bản liên quan đến các dự án Luật để tham khảo. Cùng với đó, phải làm các báo cáo đánh giá tác động, đánh giá rõ quy định hiện hành.
Về việc sửa đổi nội dung của Luật, các đại biểu cho rằng, trong nhiệm vụ chung của MTTQ Việt Nam, hình thức lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam vào các dự án luật, pháp lệnh đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong thực tế được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hình thức ban đầu của quá trình "phản biện xã hội", sự ràng buộc về quyền và trách nhiệm giữa cơ quan lấy ý kiến và cơ quan góp ý không cao, làm cho quá trình góp ý trong nhiều trường hợp trở nên hình thức, không đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân. Vì thế, rất cần bổ sung nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ vào Luật vừa là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vừa phù hợp với Nghị quyết và Cương lĩnh của Đảng.
Về các hoạt động giám sát, các đại biểu lưu ý cần quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng giám sát, chủ thể giám sát, cơ chế điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát và trách nhiệm phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền; cơ chế Mặt trận phối hợp với các hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước và tự mình tổ chức các hoạt động giám sát; cơ chế MTTQ Việt Nam biểu dương, khen thưởng và bảo vệ người có công trong hoạt động giám sát…
Các ý kiến của những thành viên tại phiên họp sẽ được tổ soạn thảo hoàn chỉnh để thông qua tổ biên tập, xây dựng các báo cáo đánh giá tác động xây dựng đề cương, kế hoạch kinh phí và thời gian hoạt động…/.