Cần có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 04/08/2012

(HNM) - Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ chỗ ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là những đối tượng hưởng lương nhà nước, TP Hồ Chí Minh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Theo Quỹ phát triển nhà ở TP, đối tượng được xem xét, giải quyết cho vay mua nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thành phố, có hộ khẩu thường trú tại TP và thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị từ 3 năm liên tục trở lên, chưa từng được giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở... Ngoài ra, đối tượng được mua nhà phải có khả năng tài chính trả trước 30% giá trị nhà và chứng minh nguồn thu nhập ổn định để trả vốn và lãi vay. Hạn mức cho vay tối đa là 400 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn nhà. Vậy nhưng, những quy định đưa ra lại khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội gặp trở ngại.

"Gần bốn năm nay, vợ chồng tôi và con gái 2 tuổi sống trong căn phòng trọ rộng hơn 30m2 ở quận 9. Gom góp mãi mới được 300 triệu đồng, chúng tôi tìm đến Quỹ phát triển nhà ở nhưng không được vay vì trung bình mỗi người trong gia đình tôi sử dụng hơn 10m2, lớn hơn so với quy định của Quỹ phát triển nhà ở" - anh Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ UBND quận Bình Thạnh nói.

Sở dĩ người nghèo khó tiếp cận mua nhà, một phần cũng do nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội quá eo hẹp. Quỹ phát triển nhà ở được UBND TP thành lập năm 2006, được hình thành từ các nguồn: ngân sách; bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trích tối thiểu 10% tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới… Đến nay, nguồn vốn đã huy động được khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng so với con số hơn 20.000 cán bộ, công nhân viên chức ở TP đang có nhu cầu về nhà ở, nguồn vốn hiện có chỉ là muối bỏ biển. Mặt khác, hiện trên địa bàn TP có hơn 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp được đăng ký triển khai, nhưng mới chỉ có 6 dự án đang xây dựng và 17 dự án khác được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sự chậm trễ này chủ yếu do chưa có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư bỏ vốn đầu tư, vì xây dựng nhà ở thu nhập thấp không đạt hiệu quả kinh tế, khả năng thu hồi vốn chậm.

Trước thực trạng trên, ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đang kiến nghị TP rà soát, phân loại dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN); tập trung vào việc hoán đổi 20% diện tích nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở thương mại; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích các DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan, ban ngành về các vấn đề như xây dựng cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội để đa dạng hóa thị trường bất động sản, hình thành khu dân cư tập trung nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đối với người thuê mua nhà ở xã hội (được đầu tư xây dựng không phải bằng vốn ngân sách), đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với nhà ở, thì cho phép được bán hoặc cho thuê nhà ở đó sau thời gian 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua.

Duy Biên