Doanh nghiệp oằn lưng cõng phí

Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 04/08/2012

(HNM) - Giá xăng tăng liên tiếp 2 lần chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, cộng với trước đó giá điện cùng hàng loạt chi phí đầu vào cũng tăng, đã khiến sản xuất kinh doanh càng thêm khó.


Trăm dâu đổ đầu…doanh nghiệp!

Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, than thở: doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn mà các chi phí thì cứ lớn lên cùng năm tháng! Giá xăng lên sẽ khiến cho hàng loạt các mặt hàng khác "rủ nhau" tăng theo. Trong khi đó, DN không thể tăng giá bán sản phẩm bởi trong nước sức mua giảm sút, còn xuất khẩu thì bị cạnh tranh quyết liệt. Một số DN xuất khẩu đã phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc lỗ để giữ thị trường vì hợp đồng đã chót ký, nhưng dù có hợp đồng mới cũng không thể nâng giá vì vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp của Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia....


Nhiều ngành sản xuất đang suy giảm do tình hình kinh tế khó khăn.

Trong sản xuất kinh doanh ngành hàng thực phẩm chế biến, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, cũng lo lắng cho kết quả kinh doanh của DN vì giá xăng tăng thì chi phí vận chuyển tăng, sẽ kéo các nguyên liệu tôm, cá, mực, rau, củ... tăng theo. Giá đầu vào tăng khiến giá thành sản phẩm phải lên theo mới có lợi nhuận, nhưng trong thời điểm hiện nay DN không thể làm điều này vì sức mua đang quá yếu.

Ông Đỗ Phước Tống - Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, trong ngành này chi phí tiền điện rất lớn, nên hễ giá điện vừa "nhúc nhích" đã tác động rất nhiều đến giá thành sản phẩm. Trong thời buổi hiện nay, chi phí chỉ lên 1% cũng đã đẩy DN vào thế khó, nên đợt tăng giá điện 5% vừa qua làm ngành này vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể khi xăng tăng thì cước vận tải cũng bị đội lên.

Đại diện ngành chịu nhiều tác động nhất bởi giá xăng dầu, ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cũng than thở, do xăng dầu chiếm đến 40 - 45% chi phí của DN vận tải nên khi xăng dầu tăng giá là DN lại "toát mồ hôi", chưa kể vật tư chi phí cũng tăng rất nhiều. So sánh cách đây 5 năm , chi phí đầu vào, đặc biệt là vật tư sửa chữa phương tiện, lốp xe… tăng 100 - 300%, trong khi đó cước vận tải không tăng nhiều và có những mặt hàng vận tải không tăng giá như vận chuyển sắt thép…

Không chỉ DN mà các tiểu thương buôn bán nhỏ cũng chung nỗi lo lắng. Theo ông Nguyễn Xuân Trang - Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), hiện có khoảng 30% tiểu thương của chợ này đã bỏ quầy sạp vì kinh doanh ế ẩm. Nếu sắp tới giá cả tăng do tác động của giá xăng tăng, sức mua giảm thì buôn bán sẽ càng ế ẩm hơn.

Sản xuất tiếp tục suy giảm

Nghiên cứu chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam do Ngân hàng HSBC thực hiện, cho thấy, trong tháng 7 chi phí đầu vào của DN đã giảm nhờ giá nhiên liệu và nguyên liệu thô giảm. Dù vậy, sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam vẫn tiếp tục đà giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 4-2011. Thậm chí, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới còn giảm với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tháng trước. Chính vì vậy, giá xăng dầu tăng trong tháng 8 sẽ đẩy DN vào khó khăn hơn. Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, dù giá đầu vào tăng, nhưng do sức mua yếu nên từ trước Tết đến nay Saigon Food không những "không dám" tăng giá mà còn phải khuyến mãi, tặng quà, thử mẫu…, liên tục kích cầu mới có thể bán được hàng. Lần này giá xăng, giá nước tiếp tục tăng nữa thì lợi nhuận nhiều mặt hàng sẽ không còn. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, bảo đảm cuộc sống của công nhân, DN vẫn phải tiếp tục sản xuất, không còn con đường nào khác.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc tăng giá xăng, điện sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của DN và làm cho các biện pháp giảm chi phí đầu vào mà Chính phủ đang khuyến khích sẽ giảm tác dụng. Vì vậy, các DN xăng dầu nên cân nhắc kỹ, chia sẻ với người tiêu dùng trước khi quyết định tăng giá. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, xăng dầu theo giá thị trường là đúng, nhưng trao quyền cho DN định giá khi chưa hết độc quyền là sai luật và chỉ có lợi cho DN xăng dầu. Còn theo bà Lê Thị Thanh Lâm, không chỉ là xăng, dầu, điện, nước mà rất nhiều thứ liên quan rất cần Chính phủ rà soát lại chính sách để giảm chi phí đầu vào, giúp DN duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đặng Loan