Nhiều lĩnh vực còn “bỏ ngỏ”

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 04/08/2012

(HNM) - Ngày 3-8, tại hội thảo


Các cơ quan chức năng vẫn còn buông lỏng những mặt hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè. Ảnh: Như Ý

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2004 đến năm 2009 cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, làm chết 298 người. Trong năm 2011 đã xảy ra 142 vụ với hơn 4.500 người mắc, trong đó có 3.562 người phải nhập viện và 25 trường hợp tử vong. Năm 2012, chỉ riêng tháng 7 đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người bị ngộ độc và 2 trường hợp tử vong. Tính chung trong 7 tháng, cả nước đã xảy ra 74 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.400 người bị ngộ độc, trong đó 16 trường hợp tử vong.

Theo cơ quan chức năng, vấn đề ATVSTP tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang khá nhức nhối. Trong 6 tháng qua, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý hơn 300 tấn thịt thối, không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, qua kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đã phát hiện hơn 4.000 vụ vi phạm ATVSTP, tăng so với cùng kỳ 700 vụ, tạm giữ trên 600.000 đơn vị sản phẩm và trên 50 tấn thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng thì việc quản lý vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP dẫn chứng một số lĩnh vực cơ quan quản lý vẫn bỏ ngỏ hoặc chưa "với tay tới", như các cửa hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè, hàng rong, bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn… "Có 4 vấn đề đặt ra ở đây, đó là điều kiện kinh doanh của nhóm đối tượng này chưa có; đây là vấn đề xã hội mang tính nhân đạo vì giải quyết việc làm cho lực lượng lớn người lao động nghèo ở đô thị; chính quyền chưa quy hoạch được khu kinh doanh tập trung và thói quen của phần lớn người tiêu dùng" - bà Mai phân tích.


Nội tạng động vật nhập lậu, không bảo đảm chất lượng đã bị phát hiện và xử lý

Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh khẳng định, số vụ nhiễm độc do hóa chất tăng mạnh và diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Trong khi đó, thực phẩm chứa chất độc hại hoặc sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe vẫn lưu hành phổ biến trên thị trường, như nước mắm có u rê, hải sản tươi được ướp u rê, trứng gà và sữa có chứa melamin, da lợn được tẩy trắng bằng thuốc tẩy, trái cây khô từ Trung Quốc bị nhiễm độc chì, rau, củ, quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật… "Thực trạng nêu trên khiến người tiêu dùng lo lắng, không biết đâu là sản phẩm bảo đảm chất lượng để sử dụng cho bữa ăn hằng ngày" - ông Hậu lo ngại.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục cho rằng, mặc dù đã có quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATVSTP, quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm, nhưng việc tuân thủ còn chưa nghiêm túc. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với sức khỏe cộng đồng cũng chưa cao; còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ngộ độc thực phẩm.

Chính vì vậy, hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không an toàn là vấn đề rất đáng lo ngại, cần phải kiểm soát chặt chẽ trong lưu hành, sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hư hỏng cần truy đến cùng địa chỉ nhà hàng, quán ăn sử dụng để công khai trên các phương tiện truyền thông. Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo nguy cơ ngộ độc, chất dinh dưỡng trên từng sản phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm; xây dựng văn hóa người tiêu dùng, người tiêu dùng sẵn sàng tẩy chay sản phẩm kém chất lượng… Có ý kiến cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm và có sự phối hợp giữa ba chủ thể đó là Nhà nước tăng cường quản lý kiểm soát; người kinh doanh có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng và người tiêu dùng có ý thức chọn lựa, sử dụng thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.

Chí Kiên