Lại chuyện ”biết rồi, khổ lắm nói mãi”

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 03/08/2012

(HNM) - Ông Huy Quang, nguyên cán bộ tỉnh Hà Tây (cũ) đã nghỉ hưu nói, tình trạng đuối nước của trẻ em nông thôn xảy ra nhiều, nhưng những cảnh báo tai nạn đuối nước thường bị coi là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi". Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa là những địa phương thay nhau dẫn đầu về tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước.

Trẻ nông thôn bây giờ biết bơi ít, năm nào cũng xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm. Báo chí liên tục thông tin trẻ em đuối nước ở chỗ này, chỗ nọ. Nào là vụ hai cháu Lê Quân Anh và Đỗ Công Minh (sinh năm 2006) đuối nước tại khu vực thôn 10, xã Thạch Hòa (Thạch Thất). Rồi sau đó là vụ đuối nước của hai anh em cháu Nguyễn Văn Hiệu và Nguyễn Thị Mai Hoa ở thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực (Phú Xuyên); hai học sinh Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Duy Hưng chết đuối tại lò gạch thôn Sinh Quả, xã Bình Minh (Thanh Oai)... khiến nhiều người đau lòng. Bộ LĐ-TB&XH công bố, trung bình mỗi ngày cả nước có 10 trẻ em bị đuối nước, nguyên nhân chính là do không biết bơi. Trước kia, ở nông thôn có nhiều chỗ để tập bơi. Trẻ con trong làng chưa biết bơi thì bám cầu ao mà tập. Biết bơi rồi thì ra kênh, sông hồ để bơi. Thế nên trước đây chuyện trẻ bị đuối nước chỉ là hy hữu. Bây giờ ao hồ bị lấp, sông thì ô nhiễm, lấy chỗ đâu mà tập bơi? Ở nông thôn thùng đào, thùng đấu thì nhiều, trẻ biết bơi ít nên chỉ sơ sểnh rơi xuống nước sâu là chết đuối. Thương tâm, đau lòng lắm!

Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với con trẻ, ông Huy Quang đề nghị cần đưa môn bơi rộng rãi vào trong trường học và đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên giám sát và chủ động dạy con trẻ biết bơi, kẻo không biết bơi lỡ đuối nước thì khổ.

Tư Văn