Nam Á: Vì một nền hòa bình và thịnh vượng

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 03/08/2012

(HNM) - Ấn Độ và Pakistan đã và đang có những bước đi tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã chính thức mời Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới thăm nước này.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Pakistan, Farhatullah Babar, thư mời của Tổng thống A.A.Zardari đã được chuyển cho Thủ tướng M.Singh thông qua Cao ủy Pakistan tại New Delhi. Bức thư khẳng định, đây không chỉ là thiện chí của Islamabad mà còn thể hiện mong muốn chung của hai bên tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và sự hài hòa về tín ngưỡng. Người đứng đầu Chính phủ Pakistan hy vọng các thỏa thuận sẽ giúp tăng cường quan hệ giữa hai nước và thực hiện ước mơ chung về một khu vực Nam Á hòa bình và thịnh vượng.

Thiện chí từ Islamabad được cho là nhân tố tích cực làm tan băng trong quan hệ giữa hai quốc gia khu vực Nam Á. Nỗ lực được hai bên thể hiện không chỉ qua con đường ngoại giao mà trên nhiều phương diện văn hóa, thể thao. Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Ủy ban Cricket Pakistan (PCB) đã hoan nghênh đề xuất tổ chức thi đấu một giải cricket với Ấn Độ. Phía Ấn Độ cũng tuyên bố quyết định mời "đối thủ" tham gia một giải cricket ngắn trong khoảng thời gian từ tháng 12-2012 đến tháng 1-2013. Hiện việc tổ chức giải đấu đang chờ chính phủ hai bên thông qua và nếu hoàn tất, đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, hai quốc gia láng giềng có sự kiện thể thao chung. Dư luận hy vọng, "nền ngoại giao cricket" - môn thể thao được hâm mộ nhất ở Ấn Độ và Pakistan - sẽ giúp tăng thêm hy vọng cải thiện quan hệ song phương trên một bình diện rộng lớn hơn.

Ngày 1-8, Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đầu tư nước ngoài từ nước láng giềng Pakistan trong bối cảnh hai nước đang có nhiều nỗ lực thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương.

Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng khu vực Nam Á đã lâm vào căng thẳng sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thành phố Mumbai (26-11-2008), làm 166 người thiệt mạng, mà nghi can số một là Hafiz Saeed, trùm của tổ chức JuD và LeT có căn cứ tại Pakistan. Sau sự kiện này, các nhà lãnh đạo hai nước đã nỗ lực để giữ cho mối quan hệ song phương khỏi chệch hướng, đặc biệt khi Ấn Độ yêu cầu Pakistan truy tố Hafiz Saeed, nhưng phía Pakistan lại trả lời "chưa đủ chứng cứ" để buộc tội y. Quan hệ Ấn Độ và Pakistan càng trở nên nhạy cảm hơn khi Mỹ treo giải thưởng 10 triệu USD cho ai bắt được Hafiz Saeed. Trong khi Ấn Độ nhiệt liệt hoan nghênh tuyên bố của Mỹ thì Pakistan lại tránh bình luận về động thái này... Trong lúc những bất đồng lãnh thổ do lịch sử để lại chưa được giải quyết thì vụ việc này được xem là "gáo nước lạnh" dội vào những nỗ lực của hai bên. Tuy nhiên, vượt lên không ít bất đồng, năm 2010, hai bên đã nối lại tiến trình hòa bình. Năm 2011, quan hệ hai nước đã được cải thiện phần nào, đặc biệt trên phương diện thương mại, song vẫn tồn tại một số bất đồng lớn. Nhưng, hy vọng đã mở ra sau chuyến thăm chớp nhoáng Ấn Độ hồi tháng 4-2012 của Tổng thống A.A.Zardari. Trong cuộc viếng thăm không chính thức đó, ông A.A.Zardari và Thủ tướng nước chủ nhà M.Singh đã thảo luận các vấn đề quan trọng mà hai bên cùng quan tâm. Chủ nghĩa khủng bố và sự hiện diện của những kẻ tham gia hoạt động chống Ấn Độ tại Pakistan cũng được đề cập đến. Thủ tướng M.Singh đã chính thức nhận lời tới thăm Pakistan trong thời gian sớm nhất.

Sự kiện Tổng thống A.A.Zardari chủ động chính thức mời Thủ tướng M.Singh tới Pakistan được dư luận Nam Á trông đợi như một kỳ vọng củng cố hòa bình trong khu vực, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chuyển giao an ninh từ Mỹ và đồng minh cho nước chủ nhà Afghanistan. Quan hệ song phương Ấn Độ - Pakistan ấm dần lên sẽ tạo đà thúc đẩy trao đổi thương mại, đặc biệt là các hoạt động kinh tế ở khu vực biên giới. Điều này sẽ không chỉ giúp giảm thiểu xung đột mà còn tạo ra hình mẫu hợp tác tích cực khi thế giới đang chứng kiến các cuộc xung đột, bạo lực và khủng hoảng kinh tế lan rộng.

Trung Hiếu