Chọn kênh nào đầu tư?

Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 02/08/2012

(HNM) - Thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ


"Sức khỏe" nền kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như kinh tế trong nước nói riêng chưa hồi phục đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN. Khó tìm được "đầu ra" cho sản phẩm khiến không ít DN phải "bơi" trong khó khăn để có thể tồn tại. DN không thuận lợi cũng làm TTCK trong nước vốn chưa khỏe khó có thể khởi sắc. Trong suốt nhiều tháng liền, thị trường không có sự bứt phá, mặc dù thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5-2012, chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng 490 điểm, HNX-Index vượt qua mốc 80 điểm. Khi đó, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng VN-Index chạm ngưỡng 500 điểm hay HNX-Index thẳng tiến tới 100 điểm. Nhưng kể từ giữa tháng 5 đến nay, chỉ số VN-Index cứ có 1 phiên tăng điểm lại có 2-3 phiên giảm điểm, khiến chỉ số này có thời điểm rơi xuống sát 400 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30-7, chỉ số HNX-Index chốt ở mức 69,45 điểm, trong khi chỉ số VN-Index dừng tại 415 điểm. Trong tuần giao dịch trước đó, thị trường chỉ có 1 phiên tăng, nhưng có tới 4 phiên giảm điểm. Sự lình xình của TTCK làm nhiều nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn, nên khối lượng giao dịch của thị trường thường xuyên ở mức thấp. Với giới đầu tư, "lướt sóng" trên TTCK giờ đây khó có thể thu được lợi nhuận như trước. Kênh đầu tư này giờ đây chỉ dành cho những người thực sự hiểu về thị trường, cũng như trang bị đầy đủ những thông tin liên quan đến DN niêm yết.

Khó tìm cửa với TTCK, nhưng kênh vàng cũng không còn dễ dàng. Biên độ dao động của giá vàng quá nhỏ, cộng với những chính sách nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế của cơ quan chức năng đã làm vàng mất đi ưu thế là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Nếu như trước đây, giá vàng có thể thay đổi hàng triệu đồng/lượng chỉ trong 1 ngày, thì trong suốt nhiều tuần qua, giá vàng hầu như không biến động. Ngay cả khi giá vàng có thay đổi thì mức tăng, giảm cũng chỉ quanh vài trăm nghìn đồng/lượng, thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng/lượng. Ngày 30-7, giá vàng trong nước đạt 40,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 40,8 triệu đồng/lượng (bán ra) với vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu và 42,03 triệu đồng/lượng (bán ra) - 41,09 triệu đồng/lượng (mua vào) với vàng SJC. Mức giá này hầu như không khác so với giá vàng của mấy ngày trước đó. Giá vàng biến động chậm nên tình trạng nhà đầu tư "lướt sóng" với vàng không còn. Các chuyên gia lý giải, giá vàng thế giới chững lại, nhà đầu tư trong nước không còn đổ xô đến vàng đã giúp thị trường này ổn định hơn. Tâm lý tích trữ vàng dần được xóa bỏ cũng giúp ngành chức năng không phải đau đầu với tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Chẳng khác gì kênh vàng, đầu tư ngoại tệ, nhất là USD cũng không thu được lãi trong suốt thời gian dài vừa qua. Sự ổn định của đồng USD trong nhiều tháng qua khiến thị trường tự do không cần phải "chặn" bằng những biện pháp cứng rắn. Giá USD trên thị trường tự do hiện chỉ ngang bằng với giá tại ngân hàng nên không còn tình trạng nhà đầu tư mua USD để "găm" như trước.

Không tìm được "cửa" để đầu tư với các kênh kể trên, một số nhà đầu tư đổ tiền vào nhà, đất, bởi theo nhà đầu tư, thời điểm này giá BĐS rơi xuống "đáy". Tuy nhiên, để thu được lợi nhuận với kênh đầu tư này, nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi đến khi nhà đất tăng giá, nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào thị trường BĐS sẽ hồi phục thì không ai có câu trả lời chính xác. Bởi, thị trường này phụ thuộc lớn vào "sức khỏe" của nền kinh tế, vì vậy khi nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng yếu, thị trường BĐS sẽ khó ấm lên.

Nhìn lại kênh vàng, chứng khoán, BĐS và ngay cả ngoại tệ, có vẻ như kênh gửi tiết kiệm an toàn nhất. Dù lãi suất tiết kiệm không còn ở mức 14%/năm, thậm chí là 15-16%/năm như trước, kênh đầu tư này vẫn được coi là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Với mức lãi suất 9%/năm với kỳ hạn ngắn, 10-12%/năm với kỳ hạn dài trên 12 tháng, nhà đầu tư sẽ vẫn thu được lợi nhuận mà không phải băn khoăn với việc sẽ đầu tư vào kênh nào.

Đức Anh