Khẳng định vị thế trong thế giới đa phương
Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 02/08/2012
Vậy là sau 6 năm chờ đợi, Venezuela đã là thành viên thứ 5 của khối thị trường chung Nam Mỹ, sau Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay. Sự kiện quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới gia nhập Mercosur được nhìn nhận sẽ giúp Venezuela thúc đẩy hội nhập kinh tế, đồng thời củng cố khả năng chống chọi của khu vực trước các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Cụ thể, nền kinh tế, của khối Mercosur sẽ có thêm sức mạnh với tiềm năng xuất, nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu rất lớn. Tổng thống Hugo Chavez khẳng định việc nước này gia nhập Mercosur là một minh chứng cho thấy sự đoàn kết của các nước Nam Mỹ. Tổng thống Hugo Chavez cũng nhấn mạnh rằng Mercosur sẽ tạo cho Venezuela cơ hội mở rộng thị trường và ngành công nghiệp nội địa vì các chủ doanh nghiệp sẽ được lợi khi hàng rào thương mại giữa các thành viên được dỡ bỏ, đồng thời tạo thêm 240.000 việc làm cho Venezuela.
Venezuela gia nhập Mercosur tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường và ngành công nghiệp nội địa.
Venezuela đệ đơn xin gia nhập Mercosur cách đây 6 năm và vấp phải sự phản đối duy nhất từ Quốc hội Paraguay do phe đối lập kiểm soát. Do vậy, việc Paraguay bị đình chỉ tư cách thành viên hồi tháng 6 vừa qua do biến cố chính trị trong nước đã tạo cơ hội cho các thành viên còn lại nhanh chóng thông qua quyết định kết nạp thành viên mới.
Mercosur là một hiệp định thương mại tự do được thành lập năm 1991 giữa các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Sau đó, Mercosur kết nạp thêm các thành viên liên kết gồm: Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru. Bất chấp những thăng trầm trong hơn hai thập niên tồn tại, giờ đây Mercosur đã trở thành một tổ chức chính trị và kinh tế khu vực với tầm quan trọng không thể bàn cãi. Các quốc gia thuộc khối Mercosur đạt chỉ số tăng trưởng mạnh nhất nhờ vào nền kinh tế đầu tàu Brazil. Nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới này đã tạo ảnh hưởng tích cực và hỗ trợ mạnh mẽ các đối tác thương mại nội khối (Argentina, Uruguay, Paraguay). Với dân số khoảng 220 triệu người, hiện Mercosur đang đứng vị trí thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu nông sản, sau Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ.
Bên cạnh đó, các mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc đã làm biến đổi khung cảnh kinh tế của Mercosur. Quốc gia đông dân nhất thế giới là nguồn tiêu thụ lớn khoáng sản, lương thực và năng lượng, đồng thời là nhà sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Nói cách khác, Trung Quốc ngày càng vươn lên trong vai trò thị trường tiêu thụ nguyên liệu vừa là nhà cung cấp các sản phẩm chế tạo với giá rẻ vào Mercosur. Đổi lại, các nước Nam Mỹ đã sử dụng sự hiện diện trong khu vực của Trung Quốc và của các cường quốc mới nổi khác như một hình thức đa dạng hóa đối tác. Điều này đã được một vài quốc gia áp dụng như một "nguyên tắc người thứ 3", tận dụng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ về tài nguyên và thị trường trên thế giới để nâng cao vị thế quốc gia. Năm 2011, thương mại hai chiều Trung Quốc - Mercosur đạt 99,48 tỷ USD - trong đó Trung Quốc xuất khẩu 48,45 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2010 và nhập khẩu 51,03 tỷ USD, tăng 37,9% so với năm 2010. Tại cuộc họp cấp cao lần thứ 43 của khối này cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc và Mercosur đã thống nhất thúc đẩy hợp tác kinh tế, đưa trị giá trao đổi thương mại lên 200 tỷ USD vào năm 2016. Hai bên cũng chia sẻ quan tâm về sự không ổn định của nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công từ các nước phát triển và sự khó khăn trong việc tiếp tục vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại, cùng nỗ lực chống bảo hộ mậu dịch, bảo đảm cho hệ thống thương mại đa phương.
Trong khi khủng hoảng nợ công Châu Âu chưa dứt và kinh tế Mỹ đang chậm chạp thoát khỏi suy thoái, các quốc gia trong khu vực Mỹ Latin đã đoàn kết hướng tới một khối kinh tế chung để cùng phát triển và đang khẳng định vị thế mới trong trật tự thế giới đa phương.