HĐND thành phố Hà Nội ra Nghị quyết về việc miễn, giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí trên địa bàn Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 02/08/2012
Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Xét Tờ trình số 34/TTr-UBND, ngày 12-6-2012 của UBND thành phố về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; Báo cáo giải trình số 98/BC-UBND ngày 9-7-2012 của UBND thành phố; Ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND thành phố.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội, với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội:
a. Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Điều 3, Chương II Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
b. Đối tượng được miễn học phí gồm:
- Các đối tượng được miễn học phí thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 49/ 2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Điều 2 Thông tư Liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15-11-2010 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội.
- Học sinh ở 13 xã miền núi khó khăn gồm: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai), An Phú (huyện Mỹ Đức) và 2 xã giữa sông gồm: Minh Châu (huyện Ba Vì), Vân Hà (huyện Phúc Thọ).
c. Đối tượng được giảm học phí:
Các đối tượng được giảm học phí thực hiện theo Điều 5 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Điều 2 Thông tư Liên
tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15-11-2010 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội.
d. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập gồm:
- Các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập thực hiện theo Điều 6 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Điều 2 Thông tư Liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15-11-2010 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội.
- Học sinh ở 13 xã miền núi khó khăn gồm: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); An Phú (huyện Mỹ Đức) và 2 xã giữa sông gồm: Minh Châu (huyện Ba Vì), Vân Hà (huyện Phúc Thọ).
đ. Cơ chế miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập:
Thực hiện theo Điều 7 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Điều 3 Thông tư Liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15-11-2010 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội và theo quy định hiện hành.
2. Quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội:
a. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp công lập:
Các bậc học, cấp học gồm: Nhà trẻ, Mẫu giáo, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học cơ sở, Học nghề Trung học phổ thông, Học nghề Trung học cơ sở; mức thu học phí như sau:
- Thành thị: 40.000 đồng/học sinh/ tháng
- Nông thôn: 20.000 đồng/học sinh/ tháng.
b. Mức trần học phí đối với trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng công lập:
Thực hiện theo quy định tại điểm 1, điểm 2, Điều 12 Nghị định số 49/ 2010/ NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
Căn cứ mức trần đã quy định, hiệu trưởng các trường căn cứ vào yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên để quy định mức học phí cụ thể đối với từng đối tượng, từng trình độ đào tạo cho phù hợp.
c. Mức trần học phí đối với trung cấp nghề, cao đẳng nghề công lập:
Thực hiện theo quy định tại điểm 3, Điều 12 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
Căn cứ mức trần đã quy định, hiệu trưởng các trường căn cứ vào yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên để quy định mức học phí cụ thể đối với từng đối tượng, từng trình độ đào tạo cho phù hợp.
d. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện chương trình chất lượng cao:
Thực hiện theo điểm 4, Điều 11; điểm 9, Điều 12 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Điều 6 Thông tư số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15-11-2010 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội.
đ. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập:
Thực hiện theo điểm 4 Điều 10 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở tính toán các khoản chi phí đủ đáp ứng cho việc dạy và học, phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học (đối với giáo dục mầm non và phổ thông) và công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học (đối với giáo dục nghề nghiệp) đồng thời phải thực hiện Quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
e. Học phí đối với sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên, đào tạo theo tín chỉ, học phí đối với người nước ngoài học ở các cơ sở giáo dục Việt Nam:
Thực hiện theo điểm 4, 6, 7, 8, 9 Điều 12 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
f. Thời gian thực hiện:
Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện từ năm học 2012-2013.
3. Tổ chức thu, sử dụng và quản lý học phí:
a. Thu học phí:
Thực hiện theo Điều 13 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
- Học phí được thu định kỳ hằng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, dạy nghề thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm học. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học phí được thu 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học chế tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ song tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp Kho bạc Nhà nước. Biên lai thu học phí theo quy định của Bộ Tài chính.
b. Sử dụng học phí:
Thực hiện theo Điều 14 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
c. Quản lý tiền học phí và chế độ báo cáo:
Thực hiện theo Điều 15 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào Kho bạc Nhà nước.
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để đăng ký hoạt động.
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc mọi loại hình có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê học phí theo các quy định của pháp luật, thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.
- Thu chi học phí của cơ sở giáo dục và đào tạo công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm.
Điều 2.
1. Giao UBND thành phố ban hành quy định cụ thể về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đề nghị UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố thảo luận tại kỳ họp được chủ tọa kỳ họp kết luận:
- Điều tra, khảo sát xác định tổng chi phí dạy và học ở các bậc học, cấp học trong điều kiện học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, xây dựng định mức phân bổ ngân sách (bao gồm cả học phí thu được) bảo đảm các trường cùng trình độ, chất lượng giáo dục có mức dự toán chi (bao gồm cả học phí) như nhau đối với từng cấp học.
- Quy định và tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những khoản thu không đúng quy định trong các nhà trường.
- Thực hiện cấp bù ngân sách phần chênh lệch do mức thu học phí mới thấp hơn mức thu học phí hiện tại.
- Hướng dẫn bình xét, công nhận hộ gia đình có thu nhập bằng 150% thu nhập của hộ nghèo để có căn cứ thực hiện chính sách giảm học phí cho đối tượng này.
Điều 3. Giao Thường trực HĐND thành phố, các ban của HĐND thành phố và các đại biểu HĐND thành phố tăng cường giám sát việc tổ chức triển khai nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ năm thông qua.
Chủ tịch
Ngô Thị Doãn Thanh
(đã ký)