Lại... "thả gà ra đuổi"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:33, 02/08/2012
Đi ngược thời gian, ngày 30-6-2012, liên bộ Tài chính - Công thương có văn bản cho phép các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Quan điểm của Bộ Tài chính là áp dụng Nghị định 84/2009/NĐ-CP và sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điểm cho phù hợp nhằm tạo lập môi trường công khai, minh bạch, bảo đảm việc kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước; tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền thống lĩnh thị trường.
Những nguyên tắc nêu trên là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng từ khi nghị định trên có hiệu lực thi hành (tháng 12-2009), tức các DN đầu mối xăng, dầu được tự điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán thì chỉ sau 3 tháng thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa có sự cạnh tranh giữa các DN như mong đợi và cơ quan quản lý nhà nước phải nắm quyền điều tiết giá từ đó tới nay. Như vậy, vấn đề đặt ra là ở thời điểm này, chúng ta đã có đủ điều kiện cần và đủ để áp dụng Nghị định 84/2009/NĐ-CP?
Có thể thấy rằng thị trường xăng dầu hiện nay chưa có sự cạnh tranh bình đẳng, vẫn còn tồn tại yếu tố độc quyền. Và tới thời điểm này, đây vẫn là một lĩnh vực kinh doanh "đặc biệt", không phải đơn vị nào cũng có thể tham gia. Biểu hiện dễ thấy là tuy chúng ta có 13 DN đầu mối nhập khẩu kinh doanh mặt hàng này nhưng chỉ riêng Petrolimex, PV Oil và Petec đã chiếm tới hơn 90% thị phần, trong đó một mình Petrolimex chiếm hơn 60%. Trong mối tương quan ấy, nếu cả 10 DN còn lại "bắt tay" với nhau thì cũng không tạo đối trọng tương xứng với các "ông lớn" nói trên. Điều đó dễ tạo sự chi phối về giá, khó thiết lập sự cạnh tranh bình đẳng về giá như mục tiêu mà nghị định hướng đến. Thực tế đặt ra câu hỏi, là liệu các DN khác có thể tồn tại một khi các "ông lớn" "thở mạnh" một chút?
Trong khi đó, chất lượng công tác giám sát của cơ quan chủ quản và người tiêu dùng đối với việc tăng hoặc giảm giá xăng dầu là một câu hỏi mở, chủ yếu là do không có đủ dữ liệu cần thiết về căn cứ xây dựng giá cơ sở để từ đó so sánh với giá mặt hàng này trên thị trường thế giới. Thời gian qua, mức phí hoa hồng cho các đại lý được cho là khá tùy tiện, chưa kể những điều chưa rõ về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, sử dụng Quỹ bình ổn... rồi quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia trong kinh doanh xăng dầu, quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng mặt hàng này trong hệ thống phân phối... Nếu không giám sát được những con số đó thì khoản lỗ mà các DN luôn đưa ra làm căn cứ cho việc đề xuất tăng giá có là chuẩn xác hay chỉ là chuyện "nói sao, biết vậy"? Việc chưa có chế tài để xử lý việc tăng hoặc giảm giá thành không hợp lý của các DN cũng có thể coi là thiếu sót trong quy trình quản lý.
Trong bối cảnh đó, phải chăng việc "thả nổi" cho DN kinh doanh xăng dầu đầu mối quyết định giá mặt hàng này không khác gì chuyện "thả gà ra đuổi". Trong thực tế, ngày 20-7, các DN đầu mối đã "đồng thanh tương ứng" tăng giá xăng thêm 400 đồng/lít và chỉ 12 ngày sau giá xăng dầu lại tiếp tục tăng. So với quy định thì họ không sai (được phép điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần), nhưng cái sự không sai ấy khiến xã hội "khó thở".
"Thả gà" theo cách đó, rõ ràng phần thiệt luôn ở phía người tiêu dùng dù họ được coi là "thượng đế".