Để bảo vệ quyền lợi của người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 02/08/2012

(HNM) - Hiện nay, số lượng lao động (LĐ) đăng ký thất nghiệp để được hưởng các chế độ trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng nhưng thực tế số LĐ được thực hưởng thấp hơn nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc DN chây ỳ, cố tình trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH).


Cần tăng cường các chế tài bảo vệ người lao động trước tình trạng ngày càng nhiều DN chậm trễ trong việc nộp BHXH. Ảnh:Phương An

Trước tình trạng này, ngành BHXH và lực lượng cảnh sát đã có sự phối hợp để có thể tiến tới xử lý hình sự các trường hợp trục lợi lớn. Đây là việc làm cần thiết để DN thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện chính sách BHTN, các chuyên gia trong ngành cho rằng để người LĐ không bị thiệt thòi, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu khắc phục những bất cập trong quá trình thực thi, đồng thời xem xét tăng thêm các chế tài bảo vệ người LĐ.

Một nghịch lý cần được xem xét đầu tiên là việc DN cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH cho người LĐ. Theo quy định, hằng tháng, người LĐ vẫn trích lương tham gia đầy đủ BHXH, BHYT và BHTN. Chủ sử dụng lao động thu và cùng đóng một tỷ lệ theo quy định để nộp cho cơ quan BHXH. Trên cơ sở đó, BHXH sẽ cấp sổ. Trường hợp DN thu tiền BHXH, BHTN của người LĐ nhưng không nộp cho BHXH thì người LĐ không thể biết được. Khi LĐ không có việc làm, không được chốt sổ bảo hiểm thì không được giải quyết chế độ nên phải chịu thiệt thòi. Số tiền đóng bảo hiểm bị DN trục lợi trái phép không hề bị xử lý do hiện nay các quy định của pháp luật chưa đề cập đến trường hợp này.

Tương tự như vậy, theo quy định trong 15 ngày kể từ khi đăng ký thất nghiệp, người LĐ phải nộp hồ sơ hưởng BHTN. Hồ sơ để được hưởng chế độ không quá phức tạp nhưng quan trọng nhất cần có sổ BH đã được chốt hoặc giấy xác nhận đã tham gia BHTN. Thời gian 15 ngày để hoàn thiện các loại giấy tờ theo quy định không phải là ngắn nhưng đang trở nên eo hẹp trong điều kiện việc chốt sổ BHXH hiện nay đang gặp khó khăn do tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài. Vì vậy, để tránh thiệt thòi cho người LĐ, các cơ quan chức năng cần xem xét cơ chế cho người LĐ được truy lĩnh BHTN cho thời gian chờ đợi chốt sổ vì không phải do người LĐ gây ra lỗi.

Ngoài ra, với tình trạng LĐ thất nghiệp tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc công ty liên doanh là khá lớn. Các DN này làm ăn thua lỗ hoặc phá sản do nhà xưởng chủ yếu là thuê, chủ sử dụng bỏ về nước, để lại "vườn không nhà trống" thì người LĐ sẽ trắng tay. Vì vậy, việc nghiên cứu để có những chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm đối với chủ sử dụng LĐ để đề phòng bất trắc sau này có thể xảy ra, đồng thời tính đến việc nên lập quỹ dự phòng để trong khi chờ thủ tục phá sản hay phát mãi tài sản, người LĐ sẽ được hưởng BHTN từ quỹ này cũng rất cần thiết. Làm được như vậy, chính sách ưu việt sẽ trở nên chặt chẽ và quan trọng là chính những người LĐ thất nghiệp, mất việc làm sẽ không bị mất quyền lợi.

Hoàng Phong