Cần có chế tài đủ mạnh

Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 02/08/2012

(HNM) - Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn về các quy định của pháp luật đối với lao động nữ tới chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn và người lao động.


Nhiều lao động nữ chưa nắm rõ những quyền lợi được hưởng theo luật định. Ảnh: Đàm Duy

Theo TS Bùi Thị Thanh Hà (Viện Xã hội học), hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đầy đủ quy định mua BHXH và BHYT cho người lao động. Chẳng hạn, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh, địa phương có hơn 3.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 10% số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI mua đủ hai loại bảo hiểm trên… Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn, theo thời vụ với người lao động để tránh đóng bảo hiểm cho họ hoặc chỉ đóng cho khối cán bộ nòng cốt của doanh nghiệp hoặc là người thân của chủ sử dụng lao động. Một số doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm trên mức lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt hơn là đóng bảo hiểm cho người lao động do mức phạt thấp. Điều này gây thất thu cho nhà nước và người lao động bị thiệt thòi. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp còn khất nợ đóng bảo hiểm.

Khảo sát trên 643 lao động nữ tại doanh nghiệp 3 tỉnh: Bắc Ninh, Đà Nẵng và Bình Dương của Viện Xã hội học cho thấy chỉ có 71% người đã mua BHXH trong doanh nghiệp nhà nước, 81,5% trong doanh nghiệp FDI và 30% trong doanh nghiệp tư nhân.

Tương tự, việc sử dụng thẻ BHYT là thực hiện quyền lợi trước mắt, thiết thực nhất của người lao động nhưng việc hưởng lợi này cũng có không ít vấn đề. Theo khảo sát, có 56,6% lao động cho biết đã từng được hưởng chế độ BHYT, có 15% đang được hưởng và 28,3% chưa bao giờ được hưởng.

Theo luật, lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày dành cho vệ sinh phụ nữ trong thời gian kinh nguyệt và được hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát trên, chỉ có 42,5% lao động nữ cho biết doanh nghiệp đã thực hiện tốt, 49,5% lao động nữ nói rằng họ không được phép nghỉ và vẫn còn 8,1% lao động nữ không biết quy định này. Gần ½ số lao động nữ trong khảo sát trên chưa được áp dụng chế độ của lao động nữ theo đúng luật định khi mang thai tháng thứ 7 trở lên. Cụ thể, 13,4% vẫn phải làm thêm giờ, 15% không được chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn và 17% không được giảm 1 giờ làm việc/ngày đối với công việc nặng nhọc.

Một vấn đề khác, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không thể tổ chức nhà trẻ hay trường mẫu giáo cho người lao động, trừ một số ít doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân là doanh nghiệp không có quỹ đất và không có tiền để nuôi cả bộ máy trông trẻ.

Theo TS Bùi Thị Thanh Hà, có nhiều giải pháp để buộc doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định pháp luật đối với lao động nữ, trong đó giải pháp quan trọng nhất là nhà nước cần ban hành các văn bản dưới luật có hướng dẫn cụ thể và đồng bộ để chống "lách" luật. Cần đưa ra các chế tài đủ mạnh, thích hợp để có thể xử phạt các doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động về quy định đóng BHXH và BHYT cho người lao động, đặc biệt dưới hình thức "nợ" BHXH đối với người lao động.

Tuệ Anh