Tiếc cho thể dục dụng cụ Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 02/08/2012

(HNM) - Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam đến Olympic 2012 với hy vọng giành một suất dự chung kết đơn, nhưng kết cục là tất cả đã phải sớm kết thúc hành trình.


Không tính đến trường hợp Đỗ Thị Ngân Thương vốn có mặt ở Olympic trên tinh thần ''tham dự đã là chiến thắng'', cả Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng đều được kỳ vọng sẽ làm nên điều gì đó ở Olympic lần này. Niềm hy vọng này là có cơ sở, bởi cả Hà Thanh và Phước Hưng đều từng có những bài thi đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới.


Hà Thanh thi đấu không thành công tại Olympic 2012.

Với Phan Thị Hà Thanh, cô từng giành HCĐ ở Giải VĐTG 2011 rồi sau đó giành HCV ở giải quốc tế tại Tokyo. Phạm Phước Hưng cũng giành được chiến tích lớn không kém là tấm HCV tại Cúp thế giới ở Ghent (Bỉ) với số điểm cao nhất trong lịch sử TDDC Việt Nam là 15,925. Trong số các bại tướng của Hà Thanh và Phước Hưng ở các giải đấu trên, có nhiều người là những ngôi sao thế giới và giành được thành tích cao ở Olympic lần này. Điều đó cho thấy, nếu duy trì được phong độ cao nhất thì các VĐV nói trên có thể hy vọng vào tấm vé dự chung kết.

Tuy nhiên, thực tế ở đấu trường Olympic không giống như tính toán. Để tạo thuận lợi cho các VĐV làm quen với khí hậu và điều kiện tập luyện ở nước chủ nhà, các VĐV đã được sang Anh từ trước gần 3 tuần. Đáng tiếc là chuyến đi với sự hỗ trợ của nước chủ nhà đã không đạt được kết quả như mong muốn khi mà dụng cụ tập luyện tại Trường Cao đẳng Bradford không đạt chuẩn. Thầy trò phải chờ đến khi đoàn TTVN sang Anh rồi cùng nhập làng Olympic để có điều kiện tập như ý.

Đối với Phan Thị Hà Thanh, suốt quá trình chuẩn bị, cô gần như không được đầu tư xứng tầm với VĐV cạnh tranh huy chương Olympic. Sau khi chuyên gia phải về nước vì lý do bất khả kháng, chúng ta đã không có đủ mối quan hệ và tài chính để thuê ngay chuyên gia giỏi khác thế chỗ. HLV nội phụ trách Hà Thanh sau đó cũng rút khỏi đội tuyển vì bận việc gia đình. Đã thế, khi sát đến ngày lên đường, cô còn bị chấn thương ở đầu gối nên phải giảm khối lượng tập đúng vào giai đoạn cần tăng tốc. Khi gặp phải hàng loạt vấn đề như thế, rất khó đòi hỏi Hà Thanh duy trì phong độ tốt nhất như khi cô đứng trên bục huy chương ở Giải VĐTG. Dẫu vậy, khoảng cách của cô với VĐV vào chung kết cũng không quá lớn. Đó có thể coi là nỗ lực đáng khen của cô trong bối cảnh không được đầu tư tốt nhất.

Phước Hưng được chuẩn bị có phần kỹ càng và bài bản hơn. Đặc biệt, chỉ trong vài tháng trước Olympic, Hưng đã được tập các bài khó và anh thích ứng khá nhanh để đạt kết quả tốt tại Cúp thế giới. Ở bài thi sở trường xà kép tại Olympic, Phước Hưng đã thi khá tốt, thực hiện các động tác khó một cách hoàn hảo, đạt chất lượng gần bằng bài thi ở Ghent (Bỉ). Bài thi của Phước Hưng được đánh giá ở mức độ khó lên đến 6,800, chỉ kém một VĐV của Trung Quốc. Chỉ tiếc là khi tiếp đất, động tác xoay 2 vòng trên không của Hưng chưa chuẩn khiến anh phải chống tay xuống thảm và bị mất điểm.

Có một thực tế là, hầu hết VĐV tham dự Olympic đều được tập luyện trong các CLB chuyên nghiệp, được tham dự cả chục giải quốc tế trong năm, trong khi các VĐV TDDC Việt Nam chỉ được dự 2-3 giải. Thế nên, khi ra đấu trường lớn như Olympic, kết quả thi đấu của họ sa sút hoặc có những chuệch choạc, âu cũng là điều dễ hiểu!

Vy Khanh