Công bố quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long

Xã hội - Ngày đăng : 23:29, 01/08/2012

(HNMO) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chiều ngày 1/8/2012, tại Hà Nội UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã long trọng công bố quy hoạch tổng mặt bằng (tỷ lệ 1/500) khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.


Đây là một việc cụ thể trong nội dung của quyết định số 696/QĐ - TTg, ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.


Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội


Việc quy hoạch nhằm bảo tồn Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hóa – Lịch sử nhằm phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản Thế giới có lịch sử phát triển và tồn tại hơn 1.300 năm; bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau. Ngoài ra, việc quy hoạch Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (tỷ lệ 1/500) còn tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình. Đây là quy hoạch đặc thù, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long HN đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới, đồng thời nằm trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, bên cạnh công trình Nhà Quốc hội (đang được xây dựng), là công trình có ý nghĩa tiếp nối của Trung tâm quyền lực đã được trải qua hàng ngàn năm lịch sử.


Khách tham quan những di tích phát lộ tại Hoàng thành Thăng Long


Theo quy hoạch, tổng diện tích khu Hoàng thành là 45.380 m2. Trong đó, diện tích xây nhà trưng bày khảo cổ là hơn 13.674 m2, khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính rộng 3.438 m2, diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195 m2. Diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.803 m2; Diện tích khu vực kỹ thuật, phụ trợ 859m2; Diện tích sân, đường giao thông là 6.214 m2.


Bộ Xây dựng ký bàn giao hồ sơ quy hoạch mặt bằng cho TP Hà Nội


Tại 18 Hoàng Diệu sẽ quy hoạch nơi trưng bày, bảo quản tại chỗ các hố khai quật A – B và D4 – D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc. Các hố trưng bày ngầm được đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản. Lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố D2 – D3; A6, D7 và C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Các khu vực không xây dựng được quy hoạch thành khu cây xanh, đường đi dạo…

Công trình xây mới trong Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu sẽ được hạn chế chiều cao dưới 5 m, hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày sẽ được xây dựng 1 tầng với độ cao thích hợp, đảm bảo thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh. Trong quy hoạch cũng xác định xây dựng một đường ngầm qua trục Hoàng Diệu để kết nối khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ.


Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành
Thăng Long, tỷ lệ 1/500



Khu Trung tâm Hoàng Thành sẽ bố trí 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng chính được xác định tại phía nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn. Trong nội bộ khu di tích, sẽ thiết kế 2 tuyến đường tham quan đi bộ chính và đường dạo kết nối các điểm tham quan; các tuyến theo hướng trục của nhà QH và tạo lối đi bộ, dải phân cách mềm bằng hàng rào cây xanh quanh Nhà Quốc hội. Quy hoạch cũng xác định các tuyến tham quan khu Hoàng thành đảm bảo xuyên suốt, không bị trùng lắp, được kết hợp tham quan Nhà Quốc hội, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ…

Sau khi công bố đồ án quy hoạch tổng mặt bằng (tỷ lệ 1/500) khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, UBND Tp Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước tiếp theo để tuyển chọn phương án kiến trúc, lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng phù hợp với các nội dung của đồ án được duyệt…

Phát biểu tại buổi lễ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tập trung làm tốt các nhiệm vụ được giao. Cụ thể là: Tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình (tháng 9/2012). Lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, 18 Hoàng Diệu; Hai là xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng công trình; Ba là tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Tiếp tục nghiên cứu khảo cổ, cũng như mở cửa đón khách tham quan, giới thiệu, quảng bá giá trị khu di sản nhằm phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long để mãi mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam …

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di tích có bề dày lịch sử, trải dài hơn 10 tế kỷ, kể từ thành Đại La, tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 18 Hoàng Diệu bắt đầu khai quật từ tháng 12/2002 và được mở rộng vào giữa năm 2003 với mục tiêu ban đầu là khai quật giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Nhà Quốc hội. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ đã tổ chức nhiều cuộc khai quật lớn, thu được rất nhiều di vật quý giá…

Quang Anh