Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam xuống thấp nhất 16 tháng

Kinh tế - Ngày đăng : 14:12, 01/08/2012

(HNMO) - Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7 giảm mạnh, từ mức 46,6 điểm trong tháng 6 xuống còn 43,6 điểm. Tháng 7 là tháng có chỉ số PMI thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2011.


Theo kết quả khảo sát, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7 giảm mạnh, từ mức 46,6 điểm trong tháng 6 xuống còn 43,6 điểm. Chỉ số PMI đã cho kết quả dưới mức trung bình 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp và tháng 7 là tháng có chỉ số thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2011.

Các nhà sản xuất ở Việt Nam cho biết. mức độ sản xuất đã sụt giảm đáng kể trong tháng 7, làm quá trình suy giảm kéo dài suốt 4 tháng. Theo dữ liệu tháng 7, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu từ tháng 4/2011.

Kể từ tháng 5, số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm mỗi tháng. Số liệu thống kê chưa đầy đủ đã nêu nguyên nhân là do những điều kiện kinh tế không thuận lợi và do khách hàng hạn chế chi tiêu. Mức giảm tổng thể số lượng đơn đặt hàng mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu yếu kém của các khách hàng trong nước, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm nhẹ. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm có nguyên nhân là do lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm và nhu cầu từ các thị trường châu Âu suy yếu.

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet


Cũng trong tháng 7, khối lượng công việc ít hơn buộc các công ty tập trung giảm lượng công việc chưa thực hiện. Nhờ đó, lượng công việc tồn đọng đã giảm đáng kể với tốc độ nhanh nhất trong cả quá trình khảo sát 16 tháng qua. Trong khi đó, các nhà sản xuất ở Việt Nam cũng đã giảm số lượng nhân công, làm quá trình này kéo dài suốt 2 tháng. Đa số những người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân là do khối lượng công việc mới cùng với nhu cầu sản xuất tại các nhà máy giảm làm cho nhân công giảm theo.

Các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm mua hàng hóa đầu vào 4 tháng liên tiếp với mức giảm mạnh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu từ tháng 4/2011 và từ đó làm giảm đáng kể tồn kho hàng hóa trước sản xuất. Trong tháng 7, những người tham gia khảo sát cũng đã tìm cách giảm tồn kho hàng hóa thành phẩm với mức giảm vừa phải, sau khi tăng mạnh trong tháng 6. Nhu cầu yếu đối với hàng hóa đầu vào đã góp phần tiếp tục rút ngắn thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong kỳ khảo sát mới nhất.

Theo HSBC, sự suy giảm mạnh hoạt động sản xuất phản ánh nhu cầu nội địa ở Việt Nam vẫn còn yếu khi mà người tiêu dùng còn chưa sẵn lòng chi tiêu và môi trường tín dụng vẫn khó khăn. Mức độ giảm việc làm và hoạt động mua hàng cho thấy tình hình này có thể sẽ tiếp diễn trong vài tháng tới.

“Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách trong nửa đầu năm. Với tốc độ lạm phát đang chậm lại và nhu cầu còn yếu kém, chúng tôi cho rằng lãi suất tái cấp vốn và những lãi suất khác sẽ sớm được giảm thêm 100 điểm phần trăm" - HSBC dự báo.

Thủy Hương