Khuyến khích doanh nghiệp dùng hàng nội
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 01/08/2012
Sự liên kết giữa ngành giấy và ngành cơ khí đã góp phần thúc đẩy sản xuất giấy trong nước phát triển. Ảnh: Yến Ngọc |
Theo Bộ Công thương, điểm nổi bật của việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam của DN thời gian qua là sự tăng cường liên kết, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vận chuyển 800.000 tấn than cho các nhà máy nhiệt điện và nhà máy sản xuất xi măng. PVN sử dụng 100% xăng, dầu diesel, xi măng, đá, phụ kiện tà vẹt, bê tông là hàng "nội" cho các loại sản phẩm chính phục vụ sản xuất kinh doanh từ năm 2011. Các đơn vị trực thuộc của PVN đảm nhận công trình đấu nối và chạy thử ngoài khơi giàn dầu giếng Chim Sáo, Topaz, làm lợi hơn 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVN còn liên kết với Tập đoàn Dệt may Việt Nam xây dựng các nhà máy sản xuất xơ sợi. Tổng Công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hàng hóa, vật tư, nhiên liệu trong nước; một số đơn vị đã cải tiến hệ thống lò nung từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng sản xuất trong nước, tiết kiệm 71,6 tỷ đồng/năm. Kể từ khi phát động CVĐ, việc sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước đã được các tập đoàn, tổng công ty, DN thực hiện nghiêm. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các DN tăng bình quân 25%, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát nhập khẩu và giảm nhập siêu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Điển hình là sự liên kết giữa ngành giấy với ngành cơ khí trong việc chế tạo thiết bị phụ tùng cho các DN ngành giấy trong nước; 100% động cơ của các loại máy phục vụ sản xuất được lưu hành trên thị trường trong nước do Công ty CP Cơ khí Trần Hưng Đạo và một số DN khác sản xuất; 60% phụ tùng cung cấp cho Công ty Honda Việt Nam do DN "nội" sản xuất…
Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả hơn nữa, rất cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN trong thực hiện CVĐ. Các cấp có thẩm quyền cần rà soát, xây dựng và bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được làm cơ sở để các đơn vị, DN hạn chế nhập khẩu, ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức sử dụng nguồn ngân sách, các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước… cần gương mẫu tiên phong trong việc mua sắm ưu tiên sử dụng hàng Việt.