Trách nhiệm với Thủ đô ngày càng lớn hơn

Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 01/08/2012

(HNM) - Sau 4 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đang ngày càng khởi sắc về mọi mặt. Nhân ngày này, qua Báo Hànộimới, nhiều bạn đọc đã bày tỏ những tâm tư, tình cảm, cùng những kỳ vọng của mình vào tương lai của Thủ đô…

Ông Nguyễn Văn Thành (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì):
Đời sống của giáo viên, nhân viên y tế miền núi còn nhiều khó khăn

Tròn 4 năm về với Thủ đô Hà Nội, một số xã thuộc huyện miền núi và cũng là nơi xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Hà Tây trước đây, chúng tôi như được mặc bộ áo mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng như các trạm y tế đang được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, từng bước hiện đại và các trục đường giao thông liên thôn, liên xã… dần được bê tông hóa. Tuy nhiên, đời sống của giáo viên, nhân viên y tế ở đây vẫn còn rất khó khăn. Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế đang tham gia công tác tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Ông Nguyễn Văn Phổ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông):
Báo Hànộimới ngày càng phát triển

Tôi thấy, sau khi hợp nhất, nội dung thông tin trên Báo Hànộimới phong phú hơn. Tờ báo không những thông tin kịp thời các sự kiện quan trọng của thế giới, đất nước, mà còn phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống của thành phố, nhất là ở khu vực Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, kinh tế trên thế giới và trong nước chưa được Báo Hànộimới bình luận sâu, phân tích kỹ, mang tính định hướng. Tôi mong muốn Báo Hànộimới ngày càng phát triển, gần gũi với bạn đọc hơn nữa để thực sự trở thành món ăn tinh thần của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô...

Bà Kiều Thị Hồng (mẹ liệt sỹ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất):
Các gia đình chính sách ngày càng được quan tâm hơn

Từ khi hợp nhất đến nay, đời sống của các gia đình thuộc diện chính sách được nâng lên rõ rệt. Các chế độ, chính sách dành cho gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng đều được áp dụng ở mức cao hơn; việc thăm nom khi đau ốm hay dịp lễ, tết cũng diễn ra đều đặn. Không những thế, sự hỗ trợ của thành phố đối với các cụ từ 80 tuổi trở lên, những người có hoàn cảnh khó khăn... cũng được nâng lên. Bộ mặt nông thôn đang dần được đổi thay, khang trang hơn, sạch đẹp hơn nhờ các dự án làm đường, cung cấp nước sinh hoạt, thu gom rác thải…

Ông Lê Xuân Luyến (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức):
Chất lượng giáo dục chưa đồng đều

Sau khi hợp nhất, hầu hết trường học ở các xã, huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) đều được quan tâm đầu tư hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên được nâng cao hơn về chuyên môn, nghiệp vụ… Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa được đồng đều giữa các trường ở nội thành và ngoại thành. Điển hình, điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của các năm vừa qua có sự chênh lệch quá lớn giữa hai khu vực. Tôi mong rằng, ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội quan tâm hơn nữa đến các trường ở xa trung tâm, xây dựng hệ thống các trường chuẩn chất lượng cao và các trường vệ tinh.

Bà Nguyễn Thị Diễm (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn):
Không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi, giao thông, trường học, đường điện, trạm y tế… làm cho diện mạo nông thôn bước đầu khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Song, mức thu nhập của nông dân vẫn còn quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Để thực hiện tốt chương trình nông thôn mới theo các tiêu chí do Chính phủ quy định, thành phố Hà Nội cần quan tâm, giúp đỡ các địa phương về công tác quản lý, đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thiết thực, phục vụ sản xuất và đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân…

Nhóm PV Bạn đọc